hội đồng tộc biểu
"hội đồng tộc biểu" được hiểu như sau:
Cơ quan quản lý làng của người Việt ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ, được thành lập trong khuôn khổ cuộc "cải lương hương chính" năm 1921 của thực dân Pháp. Nhằm thay đổi mạnh mẽ cơ chế quản lý để nắm chặt hơn các làng người Việt, Thống sứ Bắc Kỳ ra Nghị định số 1949 ngày 12.8.1921 có nội dung cơ bản là bãi bỏ Hội đồng kỳ mục - cơ quan quản lý truyền thống của làng, thay thế bằng Hội đồng tộc biểu (còn gọi là Hội đồng giáp biểu). Hội đồng tộc biểu gồm đại biểu của các dòng họ (hoặc các giáp), cứ 100 suất đinh (nam giới từ 18 tuổi trở lên) thì được cử một đại biểu (tộc biểu hay giáp biểu). Tiêu chuẩn của tộc biểu là người từ 25 tuổi trở lên, có gia sản, biết chữ quốc ngữ hoặc chữ Pháp, không có can án. Đứng đầu Hội đồng tộc biểu là một Chánh hội và một Phó hội, là người có phẩm hàm hoặc chức tước cao nhất trước khi về hưu, một Thư ký và một Thủ quỹ. Hội đồng tộc biểu có nhiệm vụ bàn bạc và quyết định các vấn đề về mọi mặt đời sống của làng giống như Hội đồng kỳ mục. Nhiệm kỳ của Hội đồng tộc biểu là 3 năm. Nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng của Hội đồng tộc biểu được quy định rõ trong bản hương ước cải lương của các làng được soạn thảo theo mẫu của chính quyền thực dân Pháp.Việc lập Hội đồng tộc biểu thay thế Hội đồng kỳ mục gây ra sự xáo trộn lớn về cung cách quản lý làng xã. Song Hội đồng tộc biểu hoạt động không hiệu quả, gây ra những phản ứng gay gắt của các thành viên trong Hội đồng kỳ mục cũ, dẫn đến căng thẳng, mất ổn định trong đời sống ở nhiều làng. Vì thế, ngày 25 .7.1927, Thống sứ Bắc Kỳ ra Nghị định lập lại Hội đồng kỳ mục làm nhiệm vụ tư vấn, giám sát hoạt động và thông qua các quyết định của Hội đồng tộc biểu. Nhiệm kỳ của Hội đồng tộc biểu được kéo dài lên 6 năm.Tuy nhiên, việc lập lại Hội đồng kỷ mục bên cạnh Hội đồng tộc biểu không cải thiện được năng lực quản lý làng xã, hơn nữa lại tạo ra mâu thuẫn gay gắt giữa hai hội đồng này nên đến ngày 23.5.1941, Vua Bảo Đại ra Đạo dụ (được chuẩn y bằng Nghị định 3702 ngày 29.5.1941 của Toàn quyền Đông Dương) bãi bỏ Hội đồng tộc biểu, chỉ còn Hội đồng kỳ mục làm nhiệm vụ là cơ quan quản lý làng.