Hệ thống pháp luật

hội đồng thẩm định

"hội đồng thẩm định" được hiểu như sau:

Hội đồng do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lập ra nhằm xem xét, đánh giá, cho ý kiến bằng văn bản để tư vấn về chuyên môn đối với một vấn đề cụ thể trước khi vấn đề đó được chính thức thông qua hoặc giải quyết.Hội đồng thẩm định có thể được thành lập ở phạm vi quốc gia, phạm vi từng ngành hay từng địa phương có nhiệm vụ xem xét, phản biện, đánh giá về nội dung các dự thảo chương trình, các dự án, đề án hay các vấn đề thực tiễn cần tiến hành thẩm định, đồng thời, phát biểu ý kiến chính thức về việc xét ban hành hay quyết định các dự thảo chương trình, các dự án, đề án, vấn đề đã được thẩm định nhằm đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống, tính hiệu quả trong quá trình ban hành và tổ chức triển khai. Hội đồng thẩm định có quyền kiến nghị, chất vấn tác giả, nhóm tác giả, tổ chức và cá nhân có liên quan đến các dự thảo chương trình, dự án, đề án, vấn đề được thẩm định; có quyền đề xuất với cơ quan tiến hành thẩm định các vấn đề liên quan đến hoạt động thẩm định.Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, biểu quyết theo đa số, phiên họp của Hội đồng phải đảm bảo có mặt ít nhất là 2/3 tổng số thành viên thì mới hợp lệ. Ý kiến thẩm định thông qua bằng biểu quyết, với ít nhất quả nửa tổng số thành viên tán thành thi được coi là ý kiến chính thức của Hội đồng, những ý kiến khác với ý kiến chính thức của hội đồng được bảo lưu và trình thủ trưởng cơ quan tiến hành thẩm định xem xét. Việc công bố các ý kiến chính thức của Hội đồng cũng như các ý kiến bảo lưu do thủ trưởng cơ quan tiến hành thẩm định quyết định. Thành phần của Hội đồng gồm những cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý thuộc lĩnh vực chuyên môn có liên quan đến nội dung cần thẩm định có thể có đại diện của các tổ chức xã hội và đại diện nhân dân địa phương với số lượng do cơ quan tiến hành thẩm định quyết định; trong đó, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên thư ký và các ủy viên. Chủ tịch hội đồng có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng. Phó Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm về phần việc do Chủ tịch Hội đồng phân công. ủy viên thư ký Hội đồng giúp Chủ tịch, Phó Chủ tịch chuẩn bị nội dung, chương trình và tổ chức các phiên họp của hội đồng. Thành viên hội đồng có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ, hoàn thành đúng thời hạn các công việc của Hội đồng theo sự phân công của Chủ tịch hội đồng; giữ gìn bí mật về các thông tin và tư liệu được cung cấp theo pháp luật hiện hành và nộp lại tất cả các tư liệu được cung cấp sau khi hoàn thành nhiệm vụ, khi không có các điều kiện để hoàn thành công việc sẽ được thay thế bằng thành viên khác theo quy định.Hội đồng thẩm định được đảm bảo các điều kiện, phương tiện hoạt động theo quy định của pháp luật.