hiệp định tương trợ tư pháp
"hiệp định tương trợ tư pháp" được hiểu như sau:
Điều ước quốc tế chuyên môn được ký kết nhằm thiết lập các nguyên tắc, quy chuẩn, quy phạm pháp luật hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước trong giải quyết các vấn đề tư pháp. Thông thường, Hiệp định tương trợ tư pháp là điều ước quốc tế song phương chuyên về hợp tác giữa các cơ quan tư pháp các nước kết ước trong lĩnh vực dân sự và hình sự. Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp hiệp định tương trợ tư pháp chỉ được ký kết nhằm hợp tác giữa các nước trong một lĩnh vực nhỏ của hoạt động tư pháp.Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tương trợ tư pháp với các nước. Các hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự (kể cả hôn nhân, gia đình) đã được Việt Nam ký với Cộng hòa dân chủ Đức (năm 1980, đã hết hiệu lực), Liên Xô (năm 1981, đã hết hiệu lực), Tiệp Khắc năm 1982, nay được Cộng hòa Séc và Slovakia cùng kế thừa, Cuba (năm 1984), Hungary (năm 1985), Bungari (năm 1986), Ba Lan (năm 1993), Lào (năm 1998), Liên bang Nga (năm 1998), Trung Quốc (năm 1998), Ucraina (năm 2000), Mông cổ (năm 2000), Belarus (năm 2000), Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự đã được ký giữa Việt Nam và Pháp năm 1999. Một Hiệp định tương trợ tư pháp nhiều bên về các vấn đề hình sự đã được ký giữa Việt Nam và các nước ASEAN năm 2004.Các hiệp định tương trợ tư pháp được ký cơ bản có nội dung tương tự nhau, thừa nhận chế độ bảo hộ pháp lý cho công dân và tổ chức các nước liên quan thiết lập cơ quan đầu mối trong tương trợ tư pháp là Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát tối cao (về các vấn đề hình sự), xác định thẩm quyền tố tụng của các cơ quan tư pháp các nước liên quan và pháp luật cần áp dụng để giải quyết các vấn đề tư pháp cụ thể, quy định về cách thức lập hồ sơ ủy thác, thực hiện các ủy thác và các hoạt động tố tụng riêng biệt khác.