Hệ thống pháp luật

Hành vi đập phá tài sản của người khác có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Ngày gửi: 12/03/2018 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL41756

Câu hỏi:

Gia đình tôi bị một số người lạ mặt đi trên 1 xe ô tô 7 chổ và 2 xe gắn máy đến nhà tôi đánh tôi và chém cháu tôi. Như vậy có được xem là có tổ chức không? Câu hỏi thứ 2: Lúc chém cháu tôi xong số ngưòi này lên xe ô tô đi, bỏ lại 2 xe gắn may, trong lúc nóng giận tôi có đập một chiếc. Như vậy tôi có phải bồi thường chiếc xe hay chịu trách nhiệm hình sự không?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật hình sự 2015

2. Nội dung tư vấn

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, có sự phân chia công việc trong quá trình thực hiện hành vi và đã được lên kế hoạch từ trước.

– Khách quan: Tội phạm có tổ chức là hình thức đồng phạm có phân công vai trò, có kế hoạch phạm tội chi tiết, rõ ràng hoặc tuy không có kế hoạch nhưng mỗi người đảm nhiệm một phần nhất định và chịu trách nhiệm đối với phần việc của mình.

– Về mặt chủ quan: Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có thông mưu trước nhưng ở mức độ cao. Giữa những người phạm tội đã thống nhất được với nhau từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc kể cả những biện pháp lẩn tránh pháp luật, tạo ra trong ý thức mỗi người một kế hoạch phạm tội có sự phối hợp hợp nhịp nhàng của những người tham gia. Trong quá trình thực hiện tội phạm, mỗi người sẽ có sự hỗ trợ người còn lại thực hiện hành vi đến cùng nhằm đạt được kết quả như mong muốn

Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 quy định về đồng phạm:

“Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”

Như vậy, muốn xác định hành vi của những người lạ mặt đến nhà đánh bạn và cháu của bạn có phải là phạm tội có tổ chức hay không cần xem xét đến các yếu tố: Có sự bàn bạc từ trước hay không? Có sự phân chia cụ thể về công việc/hành vi hay không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 quy định người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Dấu hiệu của tội phạm được thể hiện cụ thể là hành vi cố ý. 

Như vậy, việc xác định bạn có phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này hay không cần phải xác định dựa trên các yếu tố:

– Tổng giá trị tài sản có lớn hơn 2 triệu đồng hay không

– Hành vi cố ý

– Người thực hiện là người trên 16 tuổi

– Gây hư hại tài sản của người khác làm tài sản lâm vào tình trạng mất hẳn giá trị sử dụng của nó, không thể khôi phục lại được.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM