Hệ thống pháp luật

Hành vi của Hoàng trong phim “Hướng dương ngược nắng” có vi phạm pháp luật chứng khoán?

Ngày đăng: 25/03/2021 lúc 14:05:44

Trong thời gian qua bộ phim “Hướng dương ngược nắng” của đạo diễn Vũ Trường Khoa đang là từ khóa cực kỳ “hot” trên các trang mạng xã hội. Với cốt truyện mới mẻ mà sâu sắc ngoài việc truyền tải tới khán giả tình yêu, tình thương, tình cảm gia đình, bộ phim cũng có nhiều tình huống pháp lý thú vị như quyền thừa kế của Trí – “em trai của chị gái song sinh cùng mẹ khác cha là em gái của chị gái cùng cha khác mẹ” hay hành vi thu mua cổ phiếu của Hoàng nhằm thôn tính Cao Dược liệu có vi phạm pháp luật?

Hành vi của Hoàng trong phim “Hướng dương ngược nắng” có vi phạm pháp luật chứng khoán?

Sơ đồ quan hệ gia tộc Cao Dược

Từ tập 43 Hoàng bắt đầu lộ rõ kế hoạch thôn tính Cao Dược. Sau khi có được 5% cổ phần của Cao Dược nhận thấy việc thu mua cổ phần ngày càng khó khăn, Hoàng đã cho bán ồ ạt toàn bộ cổ phần mình đang sở hữu, đồng thời tung tin đồn Cao Dược đang lâm vào tình trạng phá sản để các cổ đông bán tháo cổ phần với giá thấp và nhân cơ hội đó tiếp tục thu mua. Đồng thời móc nối với ông Vụ - cổ đông lớn của Cao Dược để thu mua 3% cổ phần ông Vụ đang sở hữu nhằm chắc chân trong Hội đồng quản trị và để dần trở thành cổ đông cao nhất. Vậy hành vi của Hoàng có vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam?

Hành vi của Hoàng trong phim “Hướng dương ngược nắng” có vi phạm pháp luật chứng khoán?

Hoàng trong Hướng dương ngược nắng

Khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán 2019 quy định:

Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán

3. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.

Theo Điều 36 Nghị định 156/2020/NĐ-CP, hành vi thao túng thị trường chứng khoán phải đối mặt với mức phạt sau:

Điều 36. Vi phạm thao túng thị trường chứng khoán

1. Phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này để xử phạt.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm quy định tại khoán 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Ngoài ra, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tình tiết trên phim là thú vị nhưng nếu hành vi của Hoàng thực hiện thực tế thì có thể phải đối diện với những rủi ro về mặt pháp lý không hề nhỏ. Vì vậy, nên cân nhắc khi thực hiện các hành động như trên phim ảnh các bạn nhé.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam