Hệ thống pháp luật

Giáo viên hợp đồng có được hưởng phụ cấp đứng lớp không?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: DS180

Câu hỏi:

Tôi là giáo viên giảng dạy trong một trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội. Tuy nhiên, thời điểm tôi được nhận vào làm việc tại trung tâm (2012) thì tôi không được thi viên chức mà được tuyển dụng theo hợp đồng 68, chức danh: nhân viên chăm sóc cảnh quan môi trường, ngạch: nhân viên kĩ thuật, hệ số: 1,65. Từ đó tới nay tôi vẫn làm công việc giảng dạy nhưng không được tính phụ cấp đứng lớp và phụ cấp độc hại (tiếp xúc trực tiếp với đối tượng). Tôi xin hỏi, trong trường hợp của tôi như vậy, có được hưởng các phụ cấp trên không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Trước hết, xin nói tới phụ cấp đứng lớp:

Khoản 1 Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập quy định về phạm vi, đối tượng và điều kiện áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo (còn gọi là phụ cấp đứng lớp) như sau:

- Về phạm vi và đối tượng bao gồm:

Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động.

Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm.

Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền.

- Về điều kiện áp dụng:

Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng chế độ phụ cấp đứng lớp khi đã được chuyển, xếp lương vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15).

Đối với nhà giáo làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm và cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền thì không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo cũng vẫn được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo.

Theo như bạn trình bày, bạn được tuyển dụng theo hợp đồng 68 tức thực hiện hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP với chức danh nhân viên chăm sóc cảnh quan môi trường, xếp lương ngạch nhân viên kĩ thuật, không thuộc ngạch viên chức. Do đó, đối chiếu với điều kiện trên thì bạn không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp đứng lớp.

Thứ hai, xin bàn tới phụ cấp độc hại:

Như phân tích ở trên, do bạn không thuộc ngạch viên chức nên bạn không thuộc diện được hưởng chế độ phụ cấp độc hại theo quy định tại Thông tư 07/2005/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, bạn sẽ được xem xét hưởng phụ cấp độc hại đối với người lao động thông thường khi đáp ứng điều kiện.

Theo quy định tại Điều 12, Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH, người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau:

- Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành kèm theo Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH.

- Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.

Việc xác định các yếu tố quy định này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động.

Vì thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi chưa thể đưa ra nhận định chính xác trong trường hợp này bạn có nhận được phụ cấp độc hại hay không. Bạn cần đối chiếu với các điều kiện nêu trên để xác định vấn đề này.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM