Hệ thống pháp luật

Giao kết hợp đồng lao động

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL37448

Câu hỏi:

Kính gửi công ty Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam, em là nhân viên của một công ty xây dựng của Hàn Quốc. Em có một vài thắc mắc về hợp đồng lao động và quy định của công ty rất mong Công ty giải đáp giúp. Em xin cảm ơn!. Tất cả các hợp đồng lao động loại thời hạn 1 năm hay loại không xác định thời hạn của nhân viên làm việc tại văn phòng và công trường đều có điều khoản: 'hợp đồng kết thúc khi dự án kết thúc'. Điều khoản này có đúng với Bộ luật lao động không? Khi công ty hết việc hoặc dự án kết thúc thì nhân viên sẽ bị công ty cho nghỉ mà không cần bồi thường gì thì có đúng không? Công ty có quy định nhân viên phải nghỉ hết các ngày phép trong năm. Nếu không nghỉ thì sẽ không được trả tiền và cũng không được bù vào năm sau. Như thế có đúng không? Em thấy quy định này rất thiệt thòi cho nhân viên, vì làm việc ở các công trường xây dựng nên đòi hỏi tiến độ rất cao nên việc xin nghỉ phép rất khó khăn. Đến thời điểm này có dự án đã gần xong, một số ngày công trường không có việc thì cho nhân viên nghỉ và trừ vào phép năm. Như thế có đúng luật không? Nếu sau này dự án đó kết thúc, trong thời gian chờ có dự án mới, công ty cho nhân viên nghỉ không lương hoặc cho nhân viên nghỉ theo điều khoản đã ký trong hợp đồng lao động thì có đúng không? Ghi chú thêm là công ty em có nhiều công trình, công trình nào kết thúc thì có thể sẽ cho nhân viên ở công trình đó nghỉ chứ không phải là công ty không có công trình nào để làm. Rất mong nhận được sự giúp đỡ của Công ty, em xin cảm ơn! 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật Lao động 2012;

Nghị định 95/2013/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn:

Thứ nhất, về hợp đồng lao động:

"Điều 22. Loại hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng."

The như bạn trình bày, nội dung của hợp đồng lao động giữa công ty và người lao động là "hợp đồng kết thúc khi dự án kết thúc" – có tính chất của hợp đồng thời vụ. Hợp đồng thời vụ được ký kết đối với những công việc không có tính chất thường xuyên dưới 12 tháng. Theo thông tin bạn cung cấp, hợp đồng lao động xác định thời hạn hay hợp đồng lao động không xác định thời hạn đều có nội dung trên là không có tính thống nhất, do đó khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ phụ thuộc vào thời hạn hợp đồng, đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì hai bên sẽ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Khi chấm dứt hợp đồng do hai bên thỏa thuận thì không phát sinh nghĩa vụ bồi thường nếu không có lỗi hay thiệt hại thực tế nào giữa các bên. Trường hợp công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải đảm bảo quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động 2012:

– Lý do chấm dứt hợp đồng lao động.

– Thời hạn báo trước.

Nếu công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, tức có nghĩa không đảm bảo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động 2012 thì công ty đang đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Khi công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động 2012.

"Điều 111. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

…".

Theo quy định trên, công ty có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động. Theo đó, công ty bạn có quyền yêu cầu người lao động nghỉ hết ngày nghỉ bằng cách sắp xếp thời gian nghỉ phép cho người lao động để đảm bảo người lao động được nghỉ đủ.

Trường hợp công ty không sắp xếp đủ thời gian nghỉ hằng năm cho người lao động thì phải có trách nhiệm hoàn trả tiền lương cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ theo Điều 114 Bộ luật Lao động 2012:

"Điều 114. Thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ

1. Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.

…".

Đối với hành vi vi phạm quy định về ngày nghỉ hàng năm thì người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

"Điều 14. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

2. Phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết theo các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."

Đối với hành vi này, bạn có thể làm đơn tường trình gửi tới Phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện nơi công ty có trụ sở hoạt động để yêu cầu giải quyết.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM