giải trừ quân bị
"giải trừ quân bị" được hiểu như sau:
Quá trình hạn chế để dẫn đến loại trừ việc sản xuất, tàng trữ, sử dụng một số loại vũ khí và giảm quân số thường trực trong lực lượng vũ trang của các quốc gia.Trong thực tiễn, việc hạn chế để tiến đến loại trừ việc sản xuất, tàng trữ, sử dụng một số loại vũ khí có tính năng giết người hàng loạt như vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học và một số loại vũ khí thông thường khác. Sự hợp tác quốc tế ở lĩnh vực giải trừ quân bị đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và củng cố hòa bình, an ninh quốc tế. Sự hợp tác này được tiến hành dưới nhiều hình thứckhác nhau nhưng chủ yếu thông qua việc đàm phán, thương lượng để ký kết các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương giữa các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc quân sự như Mỹ, Nga... như Hiệp ước về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân ngày 01.7.1968; Hiệp ước cấm đặt vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác dưới đáy biển và đại dương cũng như lòng đất dưới đáy biển và đại dương ngày 11.02.1971; Công ước về cấm sử dụng kỹ thuật để thay đổi môi trường cho mục đích quân sự hoặc mục đích thù địch khác ngày 18.5.1977; Công ước cấm hạn chế sử dụng một số vũ khí thông thường có thể gây ra đau đớn quá mức hoặc tấn công không phân biệt mục tiêu ngày 10.10.1980; Công ước cấm sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hóa học ngày 13.01.1993.