Hệ thống pháp luật

Giá trị pháp lý của sổ xanh?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DD58

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư! em muốn nhờ luật sư tư vấn giúp em vấn đề như sau: Gia đình em và 2 gia đình chú, bác được Lâm trường cấp 1 sổ xanh với gần 50 ha đất rừng để quản lý, khai thác và trồng rừng mang tên bà nội em. Khu đất đó, trước đây đã được cả 3 gia đình em phát để làm nương gần 1 nửa, đến nay không còn làm nữa. Hiện nay do vấn đề nhà nước lấy đất để làm trường bắn, vậy nên hiện tượng tranh chấp đất giữa những người không có sổ với người có sổ xanh diễn ra rất nhiều. Họ cho rằng, sổ xanh mà gia đình em đang có là không có giá trị, mặc dù phía UBND xã đã xác nhận là có giá trị pháp luật. Nay gia đình em muốn phát rừng để trồng keo. Vậy em viết mail này mong luật sư tư vấn giúp em:

1. Sổ xanh được làm từ 1997, vậy nó vẫn còn giá trị đến hết 50 năm phải không ạ?

2. Nếu những người không có sổ, giành đất với gia đình em thì gia đình em có căn cứ để kiện không ạ, và đó là những căn cứ nào ?

3. Mong phía luật sư tư vấn cho em, cơ sở pháp lý giúp em giải quyết việc này với ạ! Em xin chân thành cảm ơn!!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Về việc của bạn, chúng tôi xin được trao đổi với bạn như sau: Sổ xanh là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Lâm Trường cấp để quản lý, khai thác và trồng rừng có thời hạn. Nói cách khác, sổ xanh là giấy xác nhận cho thuê đất lâu dài của Lâm Trường; khi sổ xanh hết hạn, đất đó có thể sẽ bị Lâm Trường thu hồi nếu như địa phương đó chưa có chính sách giao đất cho người dân.

Trường hợp của gia đình bạn đã được nhà nước giao một mảnh đất rừng vào năm 1997, khi đó luật đất đai năm 1993 đang có hiệu lực áp dụng. Căn cứ vào điều 20 Luật đất đai năm 1993 và Điều 6 Nghị định số 2/CP năm 1994 của Chính phủ thì thời hạn giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân là 50 năm.

"Điều 20:

Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài.

Thời hạn giao đất sử dụng ổn định lâu dài để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản là 20 năm, để trồng cây lâu năm là 50 năm. Khi hết thời hạn, nếu người sử dụng đấtcó nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng phápluật về đất đai thì được Nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng.

Nhà nướcgiao đất sử dụng lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở và chỉ thu hồitrong các trường hợp quy định tại Điều 26 và Điều 27 của Luật này.

Thời hạn giao đất sử dụng ổn định lâu dài đối với các loại đất khác do Chính phủ quy định"

Như vậy, thời hạn sử dụng đất rừng của gia đình bạn là 50 năm, sổ xanh là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất rừng của gia đình bạn do cơ quan có thẩm quyền cấp thì hoàn toàn có giá trị pháp lý. Mọi tranh chấp phát sinh đều có thể giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại Điều 202 và 203 Luật Đất đai 2013, bạn có thể tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở. Nếu không thể giải quyết mọi việc thông qua hòa giải thì gia đình bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để được giải quyết.

Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM