Hệ thống pháp luật

Gây tai nạn, tài xế có quyền bỏ chạy?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: GT41

Câu hỏi:

Vào khoảng 22h30 ngày 8/11, sau khi va chạm với ôtô bán tải trên cầu vượt Ngã Tư Sở, trong lúc đôi bên đang giải quyết, tài xế taxi 4 chỗ đã bỏ chạy, đâm và hất văng một người lên capo. Taxi sau đó lao nhanh lên cầu vượt Chùa Bộc – Thái Hà, hướng về đường Nguyễn Lương Bằng. Khi đến giữa cầu, ôtô bất ngờ lao sang làn đường ngược chiều, đâm mạnh vào ít nhất 7 xe máy, hất văng người trên capo và những người trên xe máy xuống mặt cầu. Tài xế trong trạng thái hoảng loạn đã nhảy từ thành cầu cao khoảng 5 m xuống đường và bất tỉnh.

Liên quan đến vụ việc tài xế taxi đâm liên hoàn tại cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc đang gây xôn xao dư luận. Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến hỏi khi tai nạn, tài xế có được quyền bỏ chạy?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật Giao thông đường bộ

Nghị định 171/2013/NĐ-CP

Bộ luật hình sự

2. Nội dung tư vấn

Có cho phép tài xế bỏ chạy?

Thực tế đã cho thấy rất nhiều trường hợp lái xe chọn cách bỏ chạy khỏi hiện trường sau khi gây ra tai nạn. Dưới góc độ tâm lý thì đây là biểu hiện của trạng thái tinh thần hoảng loạn khi gặp những sự cố nằm ngoài tầm kiểm soát, còn dưới góc độ pháp luật, thì thông thường các trường hợp lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn là do quá sợ hãi và muốn trốn tránh trách nhiệm pháp lý từ hành vi gây tai nạn của mình một phần vì nếu ở lại hiện trường thì rất có thể sẽ bị người dân hoặc người thân của nạn nhân hành hung hoặc có hành động quá khích. Vụ việc tài xế Đặng Ngọc Cương nhảy xuống khỏi cầu vượt như vừa qua xuất phát từ việc quá sợ hãi và hoảng loạn, không biết phải xử lý như thế nào và bản thân tài xế này có ý muốn chấm dứt mạng sống của chính cá nhân mình cũng bởi ý thức được hậu quả pháp lý từ việc gây ra tai nạn.

Theo quy định tại Điều 4 Luật Giao thông đường bộ về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ

“5. Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”

Khoản 17 Điều 8 Luật giao thông đường bộ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm cũng nêu rõ việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là một hành vi bị ngăn cấm.

Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, có nhiều trường hợp sau khi gây ra tai nạn giao thông, bản thân người điều khiển phương tiện ý thức được trách nhiệm của mình đối với người bị thiệt hại nhưng do vì những lý do khách quan như là nếu ở lại hiện trường thì rất có thể sẽ bị người dân hoặc người thân của nạn nhân hành hung hoặc có hành động quá khích.

Trong những trường hợp này, pháp luật cho phép người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan trực tiếp tới vụ tai nạn được phép rời khỏi hiện trường. Nhưng việc rời khỏi chỉ là tạm thời và sau đó phải đến trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất, còn việc bỏ trốn khỏi hiện trường và trốn tránh luôn cả trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 38 Luật giao thông đường bộ về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông có quy định:

“1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.”

Hậu quả pháp lý nếu người điều khiển phương tiện giao thông rời khỏi hiện trường tai nạn.

Căn cứ tại điểm b khoản 6 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì việc xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ được quy định như sau:

“6. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.”

Như vậy, đây là căn cứ để xử phạt hành chính cho hành vi của người tài xế nếu rời khỏi hiện trường nhưng sau đó bỏ trốn và không trình báo với cơ quan có thẩm quyền.

Mặt khác, nếu việc gây tai nạn là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về giao thông đường bộ, đến mức gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác mà đủ căn cứ để xử lý hình sự thì việc bỏ trốn khỏi hiện trường và không trình báo với cơ quan công an được xác định là một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội danh này theo khoản 2 điều 202 Bộ luật hình sự, cụ thể như sau:

“Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;”

Như vậy các quy định của pháp luật để xử lý hành vi này là khá rõ ràng, tuy nhiên hành động này vẫn tiếp diễn rất nhiều trên thực tế, điều đó cho thấy các biện pháp xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. Bởi vậy ngoài việc tăng chế tài xử phạt với những người gây tai nạn thì phải tăng việc giáo dục và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông để họ hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh quy định này.

Việc tài xế Đặng Ngọc Cương nhảy xuống khỏi cầu vượt như vừa qua không chỉ để trốn tránh trách nhiệm, mà còn đẩy sự việc thêm nhiều phức tạp. Bản thân tài xế này cũng như những người trong xe bán tải bình tĩnh giải quyết vụ va chạm trước đó thì có thể đã không có sự việc gây tai nạn liên hoàn diễn ra ngay sau. Và tiếp diễn hành vi bỏ chạy khỏi xe taxi vì quá hoảng loạn khi lo sợ trách nhiệm bởi đã gây tai nạn liên hoàn, kết thức bằng việc nhảy xuống cầu vượt là một sự việc đáng tiếc, làm hậu quả sự việc trở nên nặng nề hơn không chỉ cho phía người bị thiệt hại mà còn cho cả gia đình chính người điều khiển phương tiện giao thông.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM