Hệ thống pháp luật

Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41252

Câu hỏi:

Chào luật sư Em có 1 vài vấn đề cần được tư vấn ạ Em đang bị 1 thành phần đe dọa vì chuyện nợ tiền nhưng em không nợ vẫn bị đòi và nều không trả thì sẽ tìm em. Mà em đã từng bị đánh 2 lần khi không vay tiền vậy bây giờ em phải làm như thế nào ạ!?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự 1999

2. Nội dung tư vấn

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn không vay tiền như bị một số thành phần đe dọa đòi tiền. Việc bạn không vay tiền thì đương nhiên bạn không có nghĩa vụ trả nợ. Bạn đã từng bị đánh 2 lần mặc dù bạn không vay tiền, do đó bạn cần tới cơ quan công an gần nhất nơi bạn cư trú để trình báo sự việc trên để ngăn chặn sớm nhất việc các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi này.

Đối với việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự 1999:

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến  mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 024.6294.9155

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Trong trường hợp này người đó đã có hành vi sử dụng vũ lực tấn công bạn 02 lần. Dùng vũ lực là dùng sức mạnh vật chất tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc bất kỳ người nào khác ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực thường là đấm, đá, trói… hoặc kèm theo sử dụng các phương tiện, công cụ như dao, súng…Người có hành vi phạm tội dùng vũ lực một cách cố ý nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bạn. Do đó, tùy vào tính chất, mức độ phạm tội mà người đó sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý khác nhau. Như vậy, bạn có thể khai báo ra phía bên cơ quan công an để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM