Hệ thống pháp luật

Dùng lời lẽ chửi bới có gọi là xâm phạm tới danh dự nhân phẩm người khác?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41672

Câu hỏi:

Chào Luật sư !. Lúc xưa ba tôi có đi cải tạo một thời gian nhưng sau khi về hòa nhập với xã hội, cho đến nay ba tôi là một công dân tốt, không vi phạm pháp luật. Nhưng do mâu thuẩn với ông chú ( em ruột của ba tôi), ông chú đả nói những lời lẻ xúc phạm tới quá khứ, xúc phạm tới uy tín hiện tại của ba tôi. Cụ thể là ông chú nói ba tôi lúc xưa là một kẻ giết người, là một người từng đi tù, không được xã hội công nhận (trong đó còn có những từ ngữ khó nghe). Vậy cho tôi hỏi, như vậy có gọi là xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm của người khác không?. Chân thành cảm ơn!?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Dân sự 2015

– Bộ luật hình sự năm 1999

– Nghị định 167/2013/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ."

Theo đó, hành vi bằng lời nói hoặc hành động, làm xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác là hành vi trái pháp luật. Người thực hiện hành vi này tùy vào mức độ của hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về trách nhiệm hành chính: Chú bạn có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm bố bạn là thành viên trong gia đình sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, chú bạn sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. Và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi các thành viên trong gia đình có yêu cầu đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

Trường hợp chú bạn có hành vi cố ý xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của bố bạn gây hậu quả nghiêm trọng thì chú bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121, Bộ luật hình sự năm 1999 như sau :

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

…"

Theo đó, các dấu hiệu của tội làm nhục người khác gồm:

– Về khách thể: hành vi của chú bạn đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm và tài sản của bố bạn.

– Về chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, do đó, tất cả những người đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có nhận thức bình thường đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mình thực hiện.

– Về mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp. Ở đây, chú bạn thực hiện hành vi chửi bới, xúc phạm bố bạn hoàn toàn là lỗi cố ý.

Trong trường hợp hành vi của chú bạn xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của bố bạn thông qua bằng lời nói như sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu…nhằm vào nhân cách, danh dự, với tính chất là hạ thấp nhân cách, danh dự của bố bạn, đồng thời làm cho bố bạn cảm thấy xấu hổ, nhục nhã trước những người khác thì chú bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác tại Điều 121 Bộ luật hình sự 1999. Mức hình phạt mà chú bạn có thể phải chịu là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Để xử lý hành vi này, bố bạn nên làm đơn tường trình gửi tới cơ quan công an cấp huyện nơi chú bạn đang sinh sống để yêu cầu giải quyết.

Mặt khác, về trách nhiệm dân sự: Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm:

"1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."

Theo đó. khi nhận thấy danh dự nhân phẩm của mình bị xâm phạm bố bạn có quyền khởi kiện dân sự có kèm nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đồng thời yêu cầu người gây ra thiệt hại phải bồi thường theo Điều 592 Bộ luật dân sự 2015

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM