Hệ thống pháp luật

Đưa và nhận hối lộ nhìn từ vụ án giải cứu công dân thời Covid-19

Ngày đăng: 24/03/2022 lúc 13:01:31

Khi dịch Covid 19 bùng phát, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã thực hiện 800 trăm chuyến bay và đưa khoảng 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Đây là một chính sách thể hiện tính ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, nhưng rất tiếc một số cá nhân đã trục lợi từ chính sách này, theo đó một số công dân muốn về nước phải chi một khoản tiền không nhỏ để được “giải cứu”. Trong bài viết này, tác giả chỉ tập trung trao đổi góc độ chuyên môn pháp lý trong việc đưa và nhận hối lộ từ vụ án này.

Tham khảo toàn văn: Bộ luật hình sự 2015

Ngày 27 tháng 1 năm 2022, cơ quan Cảnh Sát Điều tra Bộ Công An đã ra quyết định khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” trong thực hiện kế hoạch đưa công dân Việt Nam ở một số quốc gia về nước, theo đó bước đầu 04 cá nhân đã bị truy cứu về tội nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015. Khi đã xác định có người nhận hối lộ thì phải có người đưa hối lộ và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

Đưa và nhận hối lộ nhìn từ vụ án giải cứu công dân thời Covid-19

Số lượng người được “giải cứu” là rất lớn lên đến hàng trăm ngàn người, đương nhiên không phải tất cả những người được giải cứu đều đưa hối lộ nhưng số lượng người đưa hối lộ để được “giải cứu” chắc không phải là con số nhỏ. Tuy nhiên nếu số lượng người đưa hối lộ trong vụ án này đều bị truy cứu thì đây sẽ là một vụ án có số lượng bị cáo đông nhất nhì trong lịch sử pháp định Việt Nam.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 364 Bộ luật hình sự 2015“Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ,…”  thì tùy số tiền, tài sản, lợi ích đưa hối lộ bị phạt tù với mức thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm và cao nhất là 20 năm tù.

Tuy nhiên trong vụ án này, người đưa hối lộ có thể được chia làm một số đối tượng sau:

- Thuộc đối tượng được “giải cứu” miễn phí nhưng phải hối lộ để được giải cứu (Đối tượng 01).

Theo chỉ đạo của Chính Phủ thì chỉ có những đối tượng sau đây thì được “giải cứu” miễn phí bao gồm:

+ Lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập (từ 2, 3 tháng trở lên) mà sở tại không có điều kiện hỗ trợ;

+ Học sinh dưới 18 tuổi;

+ Sinh viên đã hoàn thành khóa học (tốt nghiệp) gặp khó khăn về nơi ở/gia hạn lưu trú;

+ Doanh nhân, trí thức là người Việt Nam, công dân xuất cảnh ngắn hạn, bị “mắc kẹt” gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.

- Đối tượng được tham gia chuyến bay “giải cứu” nhưng có thu phí (combo) – (Đối tượng 02).

Đối tượng được tham gia chuyến bay “combo” hiện tại Cơ quan Cảnh Sát điều tra Bộ Công An đang làm rõ với các bộ ngành liên quan nhưng do nhu cầu quá lớn nên để được tham gia gói “combo” thì đối tượng này cũng phải hối lộ người có thẩm quyền để được “giải cứu”.

Đưa và nhận hối lộ nhìn từ vụ án giải cứu công dân thời Covid-19

Về bản chất cả hai đối tượng này nếu đã đưa hối lộ cho người có thẩm quyền thì rõ ràng đều vi phạm pháp luật và bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến 03 năm không giam giữ và cao nhất là 20 năm tù.

Tuy nhiên thực tế bản chất không ai muốn đưa tiền hối lộ trong việc này nhưng vì sự an toàn tính mạng và sức khỏe buộc “người được giải cứu” phải hối lộ cho người có thẩm quyền. Như vậy sự hối lộ này bản chất là bị ép buộc.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 364 nếu người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được hoàn trả toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ, hoặc tuy không bị ép buộc ( hối lộ) nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc tài sản đã đưa hối lộ.

Như vậy, để tránh hậu quả pháp lý nặng nề mà một số công dân được “giải cứu” do có hành vi đưa hối lộ cho người có thẩm quyền thì cách tốt nhất là chủ động khai báo trước khi bị phát giác và chứng minh được rằng mình bị ép buộc đưa hối lộ để được coi là không có tội và nhận lại toàn bộ số tiền đã hối lộ.

Trường hợp không bị ép buộc hối lộ nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự và trả lại một phần hoặc toàn bộ số tiền đã dùng để đưa hối lộ.

Từ căn cứ pháp lý nêu trên có thể thấy, nếu sau khi đã bị phát giác mà người đưa hối lộ mới khai báo thì đó chỉ có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 và điểm a khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017.

Ths, Ls Lê Huy Hải - BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam