Hệ thống pháp luật

đơn kháng cáo

"đơn kháng cáo" được hiểu như sau:

Văn bản, trong đó, người có quyền kháng cáo thể hiện sự không đồng tình của mình về các quyết định của Tòa án trong bản án hoặc quyết định sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án hoặc quyết định đó.Đơn kháng cáo còn là một cách thức để các đương sự thực hiện quyền tố tụng quan trọng của mình - quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.Trong tố tụng hình sự, những người có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm là bị cáo, người bào chữa; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của những người đó.Trong tố tụng dân sự, người có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm là đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện.Nội dung đơn kháng cáo có chứa các thông tin chủ yếu như ngày tháng năm làm đơn kháng cáo; tên, địa chỉ của người kháng cáo; nội dung phần bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực bị kháng cáo; lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo; chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.Đơn kháng cáo phải được gửi đến cơ quan có thẩm quyền trong hạn luật định. Theo quy định của pháp luật hiện hành, đơn kháng cáo bản án sơ thẩm phải được gửi đến Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày bản sao bản án được giao hoặc được niêm yết (đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa).Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong tố tụng hình sự, nội dung đơn kháng cáo được quy định tại khoản 2 Điều 332 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015. Trong tố tụng dân sự, đơn kháng cáo được quy định tại Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2015.