Hệ thống pháp luật

Định tội danh Nguyễn Trung N

Ngày gửi: 12/02/2018 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41294

Câu hỏi:

Nguyễn Trung N. (24 tuổi) chơi cá độ bóng đá nên nợ một khoản tiền lớn. Để có tiền trả nợ, lợi dụng lúc bà H.T.H (dì của N) đi chợ vắng, ngày 23/11, N đã cậy cửa vào nhà lấy 1.500 USD. Sợ bị phát hiện nên hai ngày sau (25/11), N rủ bạn là Hà Dũng T dàn cảnh bịt kín mặt, xông vào nhà bà H. (đường Phạm Văn Hai, Tân Bình) dùng dao khống chế chiếm đoạt thêm được 1 triệu đồng. Câu hỏi: Tội danh đối với Nguyễn Trung N và Hà Dũng T là gì? Hãy giải thích?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Về mặt lí luận, định tội là việc xác nhận về mặt pháp lý sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể đã được thực hiện với các yếu tố cấu thành tội phạm (CTTP) cụ thể tương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự.

Cụ thể, việc định tội là một hành vi xác định một hành vi cụ thể đã thực hiện thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của một tội phạm cụ thể nào đó trong số các tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự. Đồng thời nó cũng hình thức hoạt động, thể hiện sự đánh giá về mặt pháp lý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội đang được kiểm tra, xác định trong mối tương quan với các quy phạm pháp luật hình sự. Định tội danh được tiến hành trên cơ sở các chứng cứ, các tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với các dấu hiệu của CTTP tương ứng do luật hình sự quy định nhằm đạt được sự thật khách quan, tức là đưa ra sự đánh giá chính xác tội phạm về mặt pháp lí hình sự, làm tiền đề cho việc cá thể hóa và phân tích hóa trách nhiệm hình sự một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật.

Như vậy, CTTP được xem là cơ sở pháp lý duy nhất để định tội, là mô hình pháp lý có dấu hiệu cần và đủ để xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Vì thế chủ thể định tội cần nhận thức đúng bản chất các dấu hiệu CTTP trong quá trình định tội làm tiền đề cho việc xác định  khung hình phạt và quyết định hình phạt được chính xác, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Trước hết khẳng định Nguyễn  Trung N phạm hai tội là: theo khoản 1 Điều 138 tội trộm cắp tài sản và theo khoản 1 Điều 133 tội cướp tài sản, Hà Dũng (bạn của Nguyễn Trung N) phạm tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133.

– Về mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan.

Trước hết, hành vi khách quan của tội phạm là những biểu hiện của con người ra thế giới khách quan nhằm đạt được mục đích nhất định. Hành vi đó gây nguy hiểm cho xã hội và là kết quả của hành động có ý thức và ý chí, và là hành vi khách quan trái pháp luật Hình sự, được luật quy định.

Thứ nhất, xét về hành vi lợi Nguyễn Trung N lợi dụng lúc bà H.T.H (dì của N) đi chợ vắng, ngày 23/11, N đã cậy cửa vào nhà lấy 1.500 USD.  Hành vi của N thể tính chiếm đoạt tài sản của bà H.T.H, hành vi đó thể hiện tính lén lút – N đã cậy cửa vào nhà khi bà H.T.H không có nhà, hành vi đó cho thấy bà H không có khả năng biết được hành vi chiếm đoạt của N.

Mặt khác, tài sản trong trường hợp này là số tiền 1.500 USD là số tiền của bà H.T.H tức là tài sản đang có chủ.

Thứ hai, hành vi N rủ Hà Dũng (là bạn của N) dàn dựng cảnh bịt mặt xông vào nhà bà H nhằm che giấu hành vi trộm cắp tài sản của mình hai ngày trước đó. Khi đó dùng dao khống chế chiếm đoạt thêm được 1 triệu đồng. Như vậy hành vi dùng dao khống chế là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, tức là N dùng lời nói và cử chỉ (dùng dao khống chế) dọa sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu bà H.T.H chống cự lại việc chiếm đoạt.

Xét tính chất nguy hiểm của hành vi: Những hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ đều là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.

– Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm là thể thống nhất của hai mặt chủ quan và khách quan. Mặt khách quan là những biểu hiện ra nên ngoài của tội phạm, mặt chủ quan là hoạt động tâm lí bên trong của người phạm tội. Với ý nghĩa là một mặt của hiện tượng thống nhất, mặt chủ quan của tội phạm không tồn tại một cách độc lập mà luôn luôn gắn liền với mặt khách quan của tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi, mục đích và động cơ, trong đó lỗi được phản ánh trong tất cả các CTTP và là dấu hiệu không thể thiếu được của bất cứ CTTP nào.

Tình huống trên cho thấy lỗi của N và Hà Dũng đều là lỗi cố ý trực tiếp. Trong luật Hình sự Việt Nam, nguyên tắc có lỗi là nguyên tắc cơ bản. Người phải chịu TNHS không chỉ đơn thuần là vì người này có hành vi khách quan gây thiệt hại cho xã hội mà còn vì có lỗi trong việc thực hiện hành vi khách quan đó. Như vậy, có thể hiểu lỗi trong luật hình sự là thái độ tâm lý của con người với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.

Ở đây, N nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi trộm cắp tài sản với giá trị lớn của mình. N có dự tính về hành vi chiếm đoạt của mình khi bà H.T.H đi chợ nên không có nhà. Hai ngày sau N rủ Hà Dũng là bạn của mình cùng vào nhà khống chế bà H.T.H để cướp 1 triệu đồng với mục đích là che giấu hành vi trộm cắp của mình trước đó là cố ý. Cả hai nhận thức rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vì mục đích che giấu mà thực hiện.

– Về chủ thể

N và Hà Dũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và là chủ thể của tội phạm khi thỏa mãn về độ tuổi cũng như đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

– Về khách thể

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được Bộ Luật Hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS thì các quan hệ xã hội được Bộ Luật Hình sự bảo vệ  bao gồm: “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ Quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật chủ nghĩa”.

Như vậy ở đây Nguyễn Trung N và Hà Dũng đã xâm hại đến tài sản và đó chính là một trong các quan hệ mà được pháp luật Hình sự bảo vệ.

Như vậy từ những lập luận trên ta có thể thấy hành vi liên tiếp của Nguyễn Trung N là hành vi trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS và theo khoản 1 Điều 133 tội cướp tài sản, Hà Dũng phạm tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133.

Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam:

  • Định tội danh khi giết người nhằm cướp tài sản

  • Định tội danh của A,B và C

  • Định tội danh giết người.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM