Hệ thống pháp luật

Điều kiện để một di chúc viết tay được xác định là hợp pháp

Ngày gửi: 05/02/2018 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL42209

Câu hỏi:

Bố mẹ tôi có 03 người con chung, tuy nhiên hai người đã ly dị, và chia đôi tài sản là căn nhà mỗi người một nửa. Khi bố tôi khi qua đời có để lại di chúc (viết tay, không có công chứng, chứng thực) để lại nửa căn nhà ông đang ở cho người con riêng của ông. Người con này mang Họ khác, không được pháp luật thừa nhận là con hợp pháp, chỉ được bố tôi công nhận. Xin luật sư cho hỏi, trong trường hợp này người con đó có được hưởng thừa kế và bản di chúc của bố tôi có hợp pháp.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

 Bộ luật Dân sự 2015.

2. Nội dung tư vấn

Theo thông tin bạn cung cấp thì bố mẹ bạn đã ly hôn và sau khi phân chia tài sản là căn nhà chung , thì mỗi người sở hữu một nửa giá trị của căn nhà. Bố bạn đã để lại di chúc viết tay, không chứng thực để lại một nửa căn nhà mà ông đang ở cho người con riêng của ông. Trong trường hợp này, để xác định bản di chúc mà bố bạn lập có hợp pháp hay không và người con này có được thừa kế hay không cần xem xét các phương diện sau:

Thứ nhấtbản di chúc của bố bạn có hợp pháp không?

Mỗi cá nhân đều có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Do vậy, khi bố bạn là chủ sở hữu của một nửa căn nhà này và nếu có nhu cầu thì bố bạn có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản này theo ý chí của mình. Bởi, di chúc theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 được xác định là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của minh cho người khác sau khi chết.

Trong trường hợp cụ thể của bạn thì, khi bố bạn chết đi, ông ấy đã lập một bản di chúc viết tay không có chứng thực. Trong trường hợp này, để một di chúc được xác định là hợp pháp và có thể phát sinh hiệu lực trên thực tế thì bản di chúc mà bố bạn lập ra phải đáp ứng các điều kiện:

Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 được trích dẫn nêu trên thì di chúc bằng văn bản, viết tay, không có công chứng, chứng thực mà bố bạn lập ra chỉ được coi là hợp pháp khi đáp ứng điều kiện: Người lập di chúc (ở đâu là bố bạn) hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. Cụ thể:

 – Về người lập di chúc: 

​Di chúc, như đã phân tích được xác định là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của cá nhân người lập di chúc trong việc định đoạt tài sản, dịch chuyển tài sản của mình cho người khác trước khi chết. Và do vậy, để một di chúc được xác định là hợp pháp thì nó phải phản ánh trung thực ý chí của người lập di chúc, thể hiện ở việc thời điểm lập di chúc, người lập di chúc ở trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt, không bị ép buộc hay cưỡng ép, hay bị hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

– Về nội dung di chúc:

​Về nội dung di chúc, theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2015 thường có những nội dung chủ yếu sau: ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên, và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản.

– Về hình thức di chúc: 

​Di chúc do bố bạn lập ra được xác định là di chúc viết tay không có công chứng, chứng thực, nhưng bạn không nói rõ di chúc này do bố bạn tự viết, tự đánh máy hay nhờ người khác viết, hoặc đánh máy; trong di chúc có người làm chứng hay không. Do vậy khi xem xét tính hợp pháp của di chúc về mặt hình thức di chúc thì sẽ có các trường hợp xảy ra. Cụ thể:

Trong trường hợp bố bạn lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì theo quy định tại Điều 633 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc này phải do người lập di chúc tự tay viết và ký vào bản di chúc.  

Trong trường hợp bố của bạn lập di chúc bằng văn bản viết tay nhưng có người làm chứng thì việc lập di chúc còn phải tuân thủ theo quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, trong trường hợp này, khi người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Đồng thời, bố bạn lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng thì người làm chứng phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; hoặc là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; hoặc là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Từ những phân tích nêu trên, để xác định một di chúc viết tay, không có công chứng chứng thực có hợp pháp hay không cần xem xét trên nhiều yếu tố từ chủ thể người lập di chúc, nội dung di chúc, hình thức lập di chúc. Trong thông tin bạn cung cấp thì bạn chỉ nói rằng, bố bạn sau khi mất có để lại di chúc viết tay, không có công chứng chứng thực, nhưng bạn không nói rõ, di chúc này có người làm chứng hay không, có đảm bảo được đầy đủ nội dung của di chúc viết tay hay không. Do vậy, bạn cần dựa vào những phân tích nêu trên, kết hợp hoàn cảnh thực tế của mình để có sự xác định cụ thể về di chúc của bố bạn có hợp pháp hay không. Trong trường hợp bản di chúc mà bố bạn lập hoàn toàn đáp ứng các điều kiện về chủ thể, nội dung và hình thức thì di chúc này sẽ hợp pháp và hoàn toàn phát sinh hiệu lực khi bố bạn mất.

Thứ hai, về người con riêng của bố bạn có được hưởng thừa kế của bố bạn.

Đất chưa có sổ đỏ có được lập di chúc thừa kế không?

Người thừa kế được hiểu là cá nhân, hoặc tổ chức có quyền hưởng di sản thừa kế của người đã mất. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế, bình đẳng về quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Nếu bản di chúc này được xác định là hợp pháp thì sau khi bố bạn mất đi, người con riêng này sẽ được xác định là người thừa kế theo di chúc và có quyền hưởng di sản thừa kế do bố bạn để lại theo nội dung định đoạt trong di chúc. 

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp chia thừa kế theo di chúc thì vẫn có những người thừa kế được hưởng quyền thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc như con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động. Những người này vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật khi họ không được người lập di chúc không cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến về thừa kế qua tổng đài: 024.6294.9155

Trong trường hợp bản di chúc không được xác định là hợp pháp thì di sản do bố bạn để lại sẽ được phân chia thừa kế theo pháp luật (theo điểm b khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015). Trong trường hợp này, di sản do bố bạn để lại, sẽ được phân chia thành các phần bằng nhau cho những người thừa kế theo pháp luật gồm:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trong trường hợp di chúc do bố bạn để lại được xác định là không hợp pháp, thì phần di sản của ông để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho những người thừa kế theo pháp luật của ông gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của bố bạn (nếu thời điểm ông mất những người này còn sống), con đẻ, con nuôi của bố bạn.

Do vậy, trong trường hợp di chúc không hợp pháp thì người con riêng của bố bạn vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế của bố bạn theo pháp luật nếu có căn cứ xác định rằng người con riêng này là con đẻ, hoặc con nuôi của bố bạn. Theo thông tin người con này mang họ khác, và không được pháp luật thừa nhận là con hợp pháp, chỉ được bố bạn công nhận. Trong trường hợp này, dù không được pháp luật thừa nhận nhưng nếu người con có chứng cứ chứng minh họ là con đẻ hợp pháp của bố bạn thông qua giám định ADN, giấy khai sinh… hoặc là con nuôi (có đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật) thì họ vẫn có quyền thừa kế di sản của bố bạn.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM