Hệ thống pháp luật

Đất thừa kế được cấp GCN cho cá nhân rồi người trong gia đình có đòi chia lại được nữa không ?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DD92

Câu hỏi:

Xin luật sư cho tôi hỏi: Hiện nay gia đình tôi đang ở trên mảnh đất của ông bà nội tôi để lại, sổ đỏ mang tên của bố tôi. Mà ông bà nội tôi có 9 người con, 5 trai và 4 gái. Tất cả các bác đều đã có đất ở nơi khác bố tôi là con út ở với ông bà, trước đây các bác và ông bà tôi đều nói là cho bố tôi phần đất đó của ông bà nhưng tất cả chỉ nói bằng miệng, không có văn bản. Ông nội tôi mất từ năm 1981, bà nội tôi mất năm 2004, bố tôi mất năm 2001. Năm 1998 thì nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bố tôi vì bà tôi giao cho bố tôi để bố tôi nộp các loại thuế đất,các bác lúc đó cũng đồng ý để bố tôi đứng tên. Còn 3 bác trai thì có nhà và hộ khẩu ở hà nội. một bác trai và 4 bác gái thì sống ở quê và có hộ khẩu ở quê. Đến nay các bác tôi lại đổi ý đòi hủy bỏ giấy chứng nhận sử dụng đất mang tên bố tôi để đòi chia lại tài sản chung của ông bà để lại vì các bác nói ông bà mất không để lại di chúc nên giờ chia đều đất cho 9 người con. Xin luật sư cho tôi hỏi các bác tôi có quyền đòi chia lại đất của gia đình tôi đang ở không ạ. Gia đình tôi phải làm gì để bảo vệ mảnh đất này cho mẹ tôi và 3 anh em tôi ạ. Hiện giờ gia đình tôi đang rất lo lắng không biết sẽ thế nào.Đất nhà tôi đang ở sẽ được chia như thế nào ạ. Mong luật sư giúp đỡ gia đình tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Trước hết cần xác định tính hợp pháp của việc sang tên quyền sử dụng đất cho bố bạn vào thời điểm năm 1998 :
Việc sang tên quyền sử dụng đất có thể thực hiện qua hai hình thức là chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cho tặng quyền sử dụng đất, với trường hợp của bạn thời điểm sang tên ông bạn đã mất nên việc sang tên này được thực hiện dưới hình thức tặng cho quyền sử dụng đất, người tặng cho chỉ còn bà bạn. Mảnh đất này trước đó thuộc quyền sử dụng của ông và bà bạn vậy theo quy định của pháp luật mỗi người sẽ có một phần quyền bằng nhau, khi ông bạn mất do không để lại di chúc hợp pháp nên căn cứ theo điểm b khoản 1 678 Bộ luật dân sự 1995 nửa mảnh đất thuộc phần quyền của ông bạn sẽ được tiến hành chia thừa kế theo pháp luật nếu người có quyền và nghĩa vụ liên quan yêu cầu. Thời điểm ông bạn mất những người được quyền hưởng di dản của ông bạn theo pháp luật bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của ông bạn ( theo điểm a khoản 1 Điều 679 LDS 1995 ) không ai có yêu cầu chia di sản mà đều không có ý kiến gì khi sang tên đất cho bố bạn mà đều đồng ý để bố bạn sử dụng đất theo đó giao dịch chuyển quyền sử dụng đất này là hoàn toàn hợp pháp. Theo đó hiện tại giao dịch này hoàn toàn có hiệu lực pháp luật các bác bạn không thể yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu được nữa,
Ngoài ra, căn cứ Bộ luật dân sự 1995:
"Điều 463. Tặng cho bất động sản
1- Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc có chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền và phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.
2- Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký;
Nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm nhận tài sản."
Theo đó, khi bố bạn đã thực hiện đăng ký sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì coi như việc tặng cho là có hiệu lực. Để thực hiện đòi lại phần đất này thì sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên giả sử nếu những người anh em của bố bạn đòi lại được phần đất này, thì sẽ được chia theo quy định về thừa kế tài sản (hiện nay là tài sản chung của gia đình) của Bộ luật dân sự 2005:

"Ðiều 676. Người thừa kế theo pháp luật

  1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  1. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
  2. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM