Hệ thống pháp luật

Đất như thế nào là lấn, chiếm?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DD87

Câu hỏi:

Tôi hiện nay đang sinh sống tại Đà Lạt, ông bà nội tôi đã sống tại mảnh đất hiện tại hơn 60 năm, gia đình thuần nông. Giữa nhà và đất vườn có một con đừơng mòn nhỏ (bề ngang khoảng 30cm) thông qua sáu hộ dân từ ngày xưa và không còn đựơc sử dụng từ rất lâu. Nhà nào có nhu cầu thì sửa chữa trong khu vực nhà mình để đi ra vườn. Hiện nay có một hộ dân nằm giữa 06 hộ dân đưa đơn kiện lên phường với nội dung gia đình chúng tôi chiếm đoạt và lấn con đường mòn và nhờ phừơng giải quyết. Sau buổi hòa giải, phường nhận định con đường mòn đó rộng 03m và gia đình tôi lấn chiếm con đường, mặc dù nhà tôi đã làm nhà kính trồng hoa từ năm 2001 cạnh con đường mòn, bên cạnh đó gia đình tôi cũng nhờ những bà con sống lâu năm cùng người chủ cũ của mảnh đất đó xác nhận con đường mòn đó rất nhỏ chỉ có thể đi bộ. Nhưng giờ địa chính phường nói xác nhận đó không có ý nghĩa và theo hình ảnh vệ tinh chụp được thì con đường đó rộng 03m (vì gia đình tôi sửa chữa, nới rộng để đồ) nhưng giờ lại nói gia đình tôi lấn chiếm con đường. Nhờ luật sư tư vấn giúp tôi, nhà tôi là thuần nông nên không hiểu về luật. Mong nhận được sự tư vấn cùa luật sư sớm nhất. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại điều 3 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP:

"1. Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.

2. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai."

Để xác định được gia đình bạn có lấn đất hay không thì bạn phải dựa vào ranh giới thửa đất nhà bạn đã ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Hành vi được coi là lấn đất phải có dấu hiệu là sự dịch chuyển, thay đổi ranh giới, mốc giới của thửa đất trên thực tế so với biên bản bàn giao đất ban đầu gia đình bạn nhận được từ UBND xã, với mục đích để mở rộng diện tích đất thực tế. Nếu trong giấy chứng nhận đó có cả phần diện tích đất ra con hẻm đó thì là đất nhà bạn, còn không thì nhà bạn đã lấn, chiếm đất.

Nếu gia đình bạn sau khi đã xem xét ranh giới đất thực tế của gia đình mình nhận thấy có sự oan sai trong trường hợp này, có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định lại diện tích thực tế mảnh đất, các số liệu địa chính và biên bản bàn giao đã có hiệu lực pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Việc xử phạt hành chính được quy định tại Nghị định số 102/2014/NĐ-CP như sau:

"Điều 10. Lấn, chiếm đất

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này."

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM