Đất có bị tịch thu khi hết thời hạn thầu?
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12
Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com
Câu hỏi:
Kính gửi luật sư! Kính mong vị luật sư tư vấn giúp tôi vấn đề sau: Gia đình tôi có mua một mảnh đất 300m2 giáp đất thổ cư của nhà tôi từ năm 1990. Trong khi mua, bán gia đình tôi đã làm việc với UBND xã về việc mua mảnh đất 300 m2 này để làm đất vườn và yêu cầu xã cấp đất vào sổ đỏ cho gia đình tôi. Sau khi thỏa thuận xong hai bên có giấy tờ mua bán đất, hiện nay gia đình tôi vẫn còn giữ được giấy mua, bán đất đó. Năm 1990 gia đình tôi đã sử dụng mảnh đất 300m2 này vào việc đào ao thả cá. Vì lý do nước thải sinh hoạt của các hộ dân xung quanh thải xuống ao nhà tôi nhiều năm gây ô nhiễm môi trường. Nên cuối tháng 11 năm 2015 vừa rồi gia đình tôi phải lấp đi áo cá đó để làm vườn. Sau khi lấp đất ao xong thì chính quyền xã có về thông báo mảnh đất này của nhà tôi hết thời gian thầu và chưa được vào sổ đỏ, đồng thời UBND xã đòi thu hồi lai mảnh đất 300 m2 này của nhà tôi, và còn thông báo có hai đơn kiện giấu tên lên UBND Xã về việc tranh chấp mảnh đất 300 m2 này của nhà tôi. Gia đình tôi giờ không biết mảnh đất đó có bị tịch thu hay không? Nếu không bị thu thì cần làm thủ tục gì để vào sổ đỏ?
Tôi xin chân thành cảm ơn.Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Theo như bạn trình bày, thì đây là đất nông nghiệp và bạn mua lại của một chủ sử dụng khác. Tuy nhiên đến thời điểm này bạn chưa thực hiện thủ tục sang tên hay xin cấp giấy tờ về quyền sử dụng đất. Đây không phải đất của cấp huyện giao cho gia đình sử dụng. Vậy việc cấp xã yêu cầu thu hồi phần đất này do hết hạn giao thầu là không có căn cứ. Bởi:
Thứ nhất: Thẩm quyền thu hồi đất.
Điều 66 Luật đất đai 2013 về thẩm quyền thu hồi đất quy định:
“1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
b) Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;
b) Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
3. Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.”
Như vậy, chính quyền xã không có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất. Việc chính quyền xã bạn muốn ra quyết định thu hồi lại mảnh đất của gia đình bạn là không đúng với quy định của pháp luật.
Trường hợp, đất này trước đó được Uỷ ban nhân dân cấp huyện giao thầu với thời hạn nhất định thì khi hết thời hạn bạn sẽ phải trả lại đi khi không thực hiện gia hạn.
Trong trường hợp này nếu đất của bạn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mà hiện tại lại xảy ra tranh chấp. Do đó, nếu muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bạn phải nhờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành giải quyết cho bạn.
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691