Hệ thống pháp luật

Đập phá tường nhà người khác sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40912

Câu hỏi:

Em xin hỏi, trước đây giữa hai thửa dất nhà em xóm ngõ chung của xóm năm 2005. Chính quyền và dân trong xóm đã đứng ra làm thoả thuận với nhà em để chuyển đổi sang hông nhà và nay dân trong xóm ra đập phá tường hoa nhà em, xin hỏi như vậy là dân trong xóm có phạm tội phá hoại tài sản nhà em không ạ?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật dân sự 2005

– Bộ luật hình sự sửa đổi 2009.

– Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

2. Nội dung tư vấn

"1. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.

Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.

2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung."

Do vậy, nếu thuộc sở hữu chung thì các chủ sở hữu chung có quyền, nghĩa vụ ngang nhau với tài sản chung thuộc sở hữu chung đó. Nếu bức tường đó thuộc sở hữu riêng của gia đình bạn thì gia đình bạn có quyền quyết định trong việc sử dụng với bức tường đó theo đúng quy định của pháp luật và các gia đình trong xóm có hành vi đập phá tường nhà bạn thì theo Điều 143 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác như sau:

Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b)  Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Về nguyên tắc, một người có hành vi phạm tội khi hành vi của họ thỏa mãn các cấu thành tội phạm được quy định tại các tội danh trong Bộ luật hình sự qua 04 yếu tố: khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan của hành vi phạm tội. Dựa trên những thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi có một số phân tích như sau:

Về chủ thể: người thực hiện hành vi trong trường hợp này là những người dân trong xóm nơi gia đình bạn sinh sống. Những người này là người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ khi từ đủ 18 tuổi trở lên và không mắc các bệnh về thần kinh dẫn đến việc suy giảm hoặc mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Như vậy, để có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật hình sự một cách đầy đủ thì những người hàng xóm của bạn phải thỏa mãn một số điều kiện nêu trên.

Về khách thể: đối tượng bị xâm hại trong tình huống này là bức tường hoa của gia đình bạn, đây rõ ràng là tài sản riêng của gia đình bạn do đó hành vi này đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Về mặt chủ quan: việc đập phá tài sản của người khác chắc chắn được thực hiện với lỗi cố ý.Những người này biết và buộc phải biết rằng hành vi mình thực hiện là trái với pháp luật nhưng họ vẫn thực hiện cho đến khi xảy ra thiệt hại là một phần bức tường đã bị phá hủy.

Về mặt khách quan: hành vi của những người hàng xóm của gia đình bạn là hành vi cố ý hủy hoại tài sản bởi đã làm giảm giá trị sử dụng của tài sản đối với chủ sở hữu mà trong tình huống này là việc gia đình bạn không được sử dụng bức tường như trước đây. Tuy nhiên một yếu tố rất quan trọng khác chính là giá trị thiệt hại do hành vi gây ra và nhân thân của những người thực hiện hành vi. Khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 nêu rõ, thiệt hại gây ra từ hai triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự với người thực hiện hành vi.

Như vậy, trên đây là phân tích về hành vi  của những người trong xóm nơi gia đình bạn sinh sống trên cơ sở những thông tin bạn cung cấp. Những căn cứ này chưa đủ để có thể xác định chính xác hành vi của những người này đã phạm tội hủy hoại hoặc cố ý phá hoại tài sản của người khác theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009. Bạn cần căn cứ vào những thông tin cụ thể trong tình huống để có đánh giá đầy đủ và chính xác hơn. Tuy nhiên, vì hành vi của những người dân làm ảnh hưởng đến gia đình bạn và có thể gây thiệt hại về tài sản cho gia đình bạn nên bạn cần phải thu thập đầy đủ chứng cứ và làm đơn trình báo sự việc lên cơ quan công an để nhờ giải quyết. Nếu đủ yếu tố cấu thành thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau:

"Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;

c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;

d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm phápluật mà có;

e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.

4. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."

Như vậy, tùy vào mức độ hành vi của họ sẽ phải chịu trách nhiệm theo các mức độ khác nhau. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM