Hệ thống pháp luật

đăng ký thỏa ước lao động tập thể

"đăng ký thỏa ước lao động tập thể" được hiểu như sau:

Ghi vào sổ quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi đã xem xét tính hợp pháp của thỏa ước lao động tập thể.Tùy theo tập quán của từng nước mà việc đăng ký thỏa ước lao động tập thể được hay không được quy định trong pháp luật của quốc gia. Tại Việt Nam, ngay từ khi có quy định về thỏa ước tập thể, vấn đề đăng ký thỏa ước đã luôn được đề cập. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký khác nhau tùy theo từng thời kỳ, hoặc được quy định tại phòng lục sự của tòa án tỉnh (Sắc lệnh số 29/SL năm 1947) hoặc được quy định tại ủy ban hành chính tỉnh (Nghị định số 72/CP năm 1963), sở lao động tỉnh (Bộ luật lao động năm 1994). Trước đây, việc đăng ký thỏa ước tập thể đồng nghĩa với việc thừa nhận hiệu lực của thỏa ước. Từ khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động năm 2002, thời điểm có hiệu lực của thỏa ước do các bên ký kết quyết định.Pháp luật hiện hành quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết thỏa ước lao động tập thể, người sử dụng lao động phải gửi bản thỏa ước lao động tập thể và phụ lục kèm theo đến sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp để đăng ký. Sau đó, nếu có sửa đổi, bổ sung thì thỏa ước lao động tập thể phải được đăng ký lại. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký phải kiểm tra tính hợp pháp của thỏa ước lao động tập thể, có nghĩa vụ hướng dẫn các bên làm lại thỏa ước cho đúng quy định (nếu sai hoặc có nội dung vô hiệu), có quyền tuyên bố thỏa ước vô hiệu (nếu có) và phải thông báo cho đơn vị ký kết thỏa ước biết về việc đăng ký thỏa ước.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, đăng ký thỏa ước lao động tập thể được quy định tại Điều 73 và Điều 74 Bộ luật lao động năm 2012 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 18 tháng 06 năm 2012.