Hệ thống pháp luật

Công ty tạm dừng hoạt động người lao động có được đóng bảo hiểm không?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL37491

Câu hỏi:

Xin hỏi luật sư một trường hợp như sau:Công ty X là doanh nghiệp có vốn 100% vốn ĐTNN được thành lập từ tháng 8/1992 với ngành nghề chuyển sản xuất giày dép xuất khẩu có gần 800 cán bộ công nhân viên hiện đang đăng ký tham gia mua BHXH tại BHXH thành phố Hải Phòng. Do tình hình chung của đa số các doanh nghiệp sản xuất giày dép, hàng năm đều bị nhỡ việc từ 1-2 tháng. Những tháng nhỡ việc đó trước đây Công ty không tham gia BHXH nhưng vẫn mua BHYT cả năm để duy trì việc khám chữa bệnh cho cán bộ công nhân viên. Nhưng, nay công ty được BHXH thành phố Hải Phòng thông báo: 'Từ tháng 8/2016 những tháng nghỉ nhỡ việc phải tham gia BHXH mới được tham gia BHYT, nếu không tham gia BHXH thì cũng không tham gia BHYT và sẽ thu hồi lại thẻ BHYT'. Vậy xin hỏi: 1. Trong trường hợp cán bộ công nhân viên của công ty mua BHYT suốt các tháng đi làm nhưng riêng tháng nhỡ việc lại không được tham gia, vậy nếu trong tháng này cán bộ bị ốm đau, thai sản hoặc muốn thăm khám chữa bệnh thì phải làm thế nào? 2. Trong tháng nghỉ nhỡ việc, nếu không được tham gia BHXH thì cán bộ của công ty có thể tham gia BHYT không? 3. Trường hợp nếu cán bộ CNV đang nghỉ nhỡ việc nhưng vẫn muốn tham gia cả 3 loại BHXH, BHYT, BHTN có được không? Xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định Luật lao động năm 2012 quy định: 

1. Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

d) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc."

Theo quy định tại Quyết định 959/QĐ-BHXH năm 2015 Quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

"Điều 38. Quản lý đối tượng

1.7. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

1.8. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN; phải đóng BHYT do cơ quan BHXH đóng."

Như vậy, đối với trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. 

Luật bảo hiểm Y tế 2014 sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm Y tế 2008 có quy định về việc tham gia bảo hiểm y tế của người lao động như sau:

"Điều 1.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế:

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

“Điều 15. Phương thức đóng bảo hiểm y tế

1. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.

2. Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không trả lương theo tháng thì định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.

3. Hằng tháng, tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 13 của Luật này vào quỹ bảo hiểm y tế.

4. Hằng quý, cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 13 của Luật này vào quỹ bảo hiểm y tế.

5. Hằng quý, ngân sách nhà nước chuyển số tiền đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại các điểm e, g và i khoản 1 Điều 13 của Luật này vào quỹ bảo hiểm y tế.

6. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, đại diện hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng vào quỹ bảo hiểm y tế.”

Như vậy, với người lao động thuộc các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp thì hàng tháng cũng với việc đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động cũng đồng thời đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế. Do vậy, việc đóng bảo hiểm y tế thực hiện khi đóng bảo hiểm xã hội và đóng theo định kỳ 1 tháng. Việc cơ quan bảo hiểm trả lời “không tham gia BHXH thì cũng không tham gia BHYT và sẽ thu hồi lại thẻ BHYT” như vậy là hoàn toàn đúng.Những tháng nhỡ việc, do không đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế nên việc khám chữa bệnh sẽ không được chi trả theo bảo hiểm y tế như thông thường.

Theo như quy định tại Luật bảo hiểm Y tế 2014 sửa đổi thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và đóng bảo hiểm y tế khi đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, khi nghỉ nhỡ việc mà không tham gia bảo hiểm xã hội thì cũng không được tham gia bảo hiểm y tế.

Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

 Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN; phải đóng BHYT do cơ quan BHXH đóng.

Trường hợp được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014:

4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp người lao động ở công ty bạn là nghỉ việc do nhỡ việc chứ không phải chấm dứt hợp đồng lao động nên vẫn thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, do vây không thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong tháng nhỡ việc đó, nếu công ty vẫn trả lương cho người lao động thì vẫn đóng bảo hiểm xã hội bình thường, nếu không trả lương thì người lao động sẽ không tham gia bảo hiểm xã hội được.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM