Hệ thống pháp luật

Công ty 100% vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ thuế - chứng khoán. Điều kiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện đối với công ty 100% vốn nước ngoài.

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DN136

Câu hỏi:

Công ty tôi là công ty 100% vốn đầu tư của Hàn. Hiện bên tôi đang có ý định kinh doanh một số lĩnh vực nhưng chưa rõ đối với loại hình công ty tôi thì những lĩnh vực này có được pháp luật Việt Nam cho phép hoạt động hay chưa:

1. Kinh doanh dịch vụ thuế (mở đại lý thuế tại Việt Nam).

2. Kinh doanh dịch vụ kiểm toán, kế toán

3. Thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học (dưới hình thức mở website đào tạo trực tuyến).

4. Thành lập công ty kinh doanh chứng khoán trực tuyến

Nếu được thành lập thì thủ tục để thành lập những loại hình doanh nghiệp này sẽ như thế nào. Tôi xin cám ơn nhiều!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Trước hết, công ty của bạn là công ty 100% vốn đầu tư của Hàn nên theo quy định tại khoản 17 Điều 3 Luật đầu tư 2014, công ty bạn là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Việc thành lập công ty của bạn phải tuân thủ quy định về thành lập loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp 2014.
Những ngành nghề bạn nêu trên đều không phải là ngành nghề mà pháp luật quy định cấm kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài nên công ty bạn hoàn toàn có quyền thực hiện kinh doanh các ngành nghề đó. Tuy nhiên, theo quy định của Luật đầu tư 2014 và các văn bản pháp luật chuyên ngành, để kinh doanh một trong các ngành nghề này, công ty bạn phải đáp ứng được các điều kiện đối với từng ngành nghề cụ thể:
1. Kinh doanh dịch vụ thuế ( mở đại lý thuế tại Việt Nam)
Theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư 117/2012/TT-BTC:
* Điều kiện làm đại lý thuế
Đại lý thuế phải có đầy đủ các điều kiện sau:
- Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Có ngành, nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Có ít nhất hai (02) nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
* Hồ sơ, thủ tục đăng ký đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế đối với đại lý thuế
- Trước khi hoạt động, đại lý thuế phải lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế gửi Cục Thuế nơi đại lý thuế đóng trụ sở chính, hồ sơ gồm:
Văn bản thông báo đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này).
Bản chụp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ghi ngành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế và giấy chứng nhận đăng ký thuế có xác nhận của đại lý thuế.
Bản chụp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế của các nhân viên đại lý thuế có xác nhận của đại lý thuế.
Mẫu chữ ký của người có thẩm quyền của đại lý thuế được ký tên trên hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, khiếu nại về thuế, hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, các hồ sơ khác có liên quan theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế của đại lý thuế
Trường hợp hồ sơ đăng ký đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế của đại lý thuế được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ đăng ký đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế của đại lý thuế được gửi qua đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
Trường hợp hồ sơ đăng ký đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế của đại lý thuế được nộp thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ do cơ quan thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
Trường hợp cần bổ sung hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo cho đại lý thuế ngay trong ngày nhận hồ sơ đối với trường hợp trực tiếp nhận hồ sơ; trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu chính hoặc thông qua giao dịch điện tử.
- Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Cục Thuế phải xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế cho đại lý thuế (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
Cục Thuế gửi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế cho Tổng cục Thuế qua mạng giao dịch điện tử nội bộ ngành thuế trong thời hạn một (01) ngày làm việc kể từ ngày Cục Thuế ký giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế cho đại lý thuế. Tổng cục Thuế đăng tải danh sách đại lý thuế có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trong thời hạn một (01) ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế do Cục Thuế gửi.
2. Kinh doanh dịch vụ kiểm toán
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 203/2012/TT-BTC, Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán (theo mẫu quy định tại Phụ lục I Thông tư 203/2012/TT-BTC).
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
- Danh sách kiểm toán viên hành nghề có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp (theo mẫu quy định tại Phụ lục III Thông tư 203/2012/TT-BTC).
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán của các kiểm toán viên hành nghề.
- Bản sao Quyết định của Hội đồng thành viên về việc bổ nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) đối với công ty TNHH, công ty hợp danh.
- Bản sao Điều lệ công ty.
- Danh sách các tổ chức, cá nhân góp vốn, danh sách thành viên hợp danh (theo mẫu quy định tại phụ lục IV), trong đó phải thể hiện rõ các nội dung sau:
Họ và tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch; Số và ngày cấp, nơi cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cá nhân; Số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (đối với các cá nhân là kiểm toán viênhành nghề);
Tên, địa chỉ đặt trụ sở, số và ngày quyết định thành lập (hoặc đăng ký kinh doanh) đối với tổ chức; Họ và tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số và ngày cấp, nơi cấp giấy chứng minh nhân dân, hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; Số và ngày cấpGiấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán đối với cá nhân được cử là người đại diện phần vốn góp của tổ chức;
Số vốn góp theo đăng ký, giá trị vốn đã thực góp, tỷ lệ sở hữu, thời hạn góp vốn.
- Văn bản xác nhận về vốn đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, cụ thể như sau:
Đối với doanh nghiệp thành lập mới phải có:
Biên bản góp vốn của các thành viên sáng lập;
Trường hợp số vốn được góp bằng tiền thì phải có văn bản xác nhận của ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. Số tiền ký quỹ tối thiểu phải bằng số vốn góp bằng tiền của các thành viên sáng lập và chỉ được giải ngân sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
Trường hợp số vốn góp bằng tài sản thì phải có chứng thư của tổ chức có chức năng thẩm định giá đang hoạt động tại Việt Nam về kết quả thẩm định giá tài sản được đưa vào góp vốn. Chứng thư phải còn hiệu lực tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Đối với doanh nghiệp đang hoạt động phải có văn bản xác nhận của doanh nghiệp kiểm toán độc lập khác về mức vốn hiện có thuộc sở hữu của doanh nghiệp đó được ghi trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất (năm đăng ký hoặc năm trước liền kề năm đăng ký).
3. Kinh doanh dịch vụ kế toán
Theo quy định tại Thông tư 72/2007/TT-BTC
* Điều kiện đăng ký hành nghề kế toán Đối với doanh nghiệp dịch vụ kế toán:
- Có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán;
- Có ít nhất 2 người có Chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp, trong đó Giám đốc doanh nghiệp phải là người có Chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên từ 2 năm trở lên.
* Hồ sơ đăng ký hành nghề kế toán Đối với doanh nghiệp dịch vụ kế toán
Giám đốc doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải căn cứ Đơn đăng ký hành nghề kế toán của người hành nghề kế toán và các quy định về điều kiện hành nghề kế toán để xét duyệt xem người đó có đủ điều kiện hành nghề trong năm đó hay không, nếu đủ điều kiện thì lập hồ sơ đăng ký hành nghề kế toán của doanh nghiệp nộp cho Hội nghề nghiệp được Bộ Tài chính uỷ quyền để xem xét xác nhận.
Hồ sơ đăng ký hành nghề kế toán lần đầu, gồm:
a) Danh sách đăng ký hành nghề kế toán năm…(Phụ lục số 03/KET) kèm theo Đơn đăng ký hành nghề kế toán của từng cá nhân có đủ điều kiện trong danh sách đăng ký;
b) Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ;
c) Bản sao công chứng hoặc có chữ ký và dấu xác nhận của Giám đốc doanh nghiệp dịch vụ kế toán đối với Chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên của Giám đốc doanh nghiệp và của các cá nhân có tên trong danh sách đăng ký;
d) 03 ảnh 3x4 chụp ở thời điểm làm đơn đăng ký của từng cá nhân có tên trong danh sách đăng ký.
Những người đã đăng ký hành nghề kế toán trong doanh nghiệp dịch vụ kế toán năm trước nếu được Giám đốc doanh nghiệp chấp thuận đủ điều kiện tiếp tục đăng ký hành nghề năm sau thì không phải làm hồ sơ đầy đủ như đăng ký lần đầu mà chỉ làm Đơn đăng ký hành nghề kế toán(theo mẫu ở Phụ lục số 02/KET).
Doanh nghiệp dịch vụ kế toán đăng ký hành nghề kế toán từ lần thứ hai trở đi chỉ nộp “Danh sách đăng ký hành nghề kế toán năm ...” (Phụ lục số 03/KET). Nếu có đăng ký bổ sung thì phải nộp kèm theo hồ sơ đăng ký của những người bổ sung như đã quy định tại điểm 3.2 khoản 3 Thông tư này.
3. Thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học (dưới hình thức mở website đào tạo trực tuyến).
* Hồ sơ đề nghị cấp phép (khoản 2 Điều 13 Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT).
- Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học do giám đốc trung tâm ký tên, đóng dấu;
- Quyết định thành lập trung tâm do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Nội quy hoạt động của trung tâm;
- Báo cáo về trang thiết bị làm việc của văn phòng; lớp học, phòng thực hành, cơ sở phục vụ đào tạo trong đó phải có văn bản chứng minh về quyền sở hữu (hoặc hợp đồng thuê) đất, nhà, kinh phí hoạt động;
- Chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học;
- Danh sách trích ngang đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia giảng dạy;
- Các quy định về học phí, lệ phí;
- Chứng chỉ sẽ cấp cho học viên khi kết thúc khóa học.
* Trình tự, thủ tục cấp phép
- Hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được làm thành 1 bộ và gửi cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
- Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định trên thực tế khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định và ghi kết quả vào biên bản thẩm định;
- Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có kết quả thẩm định, người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT ra quyết định cho phép trung tâm triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng;
- Trường hợp trung tâm chưa đủ điều kiện để hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do.
* Thủ tục xin phép thành lập website đào tạo trực tuyến
Theo điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về mại điện tử: hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Doanh nghiệp thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phải thông báo với Bộ Công Thương theo quy định sau đây:
- Quy trình: Việc tiếp nhận, xử lý thông báo website thương mại điện tử bán hàng được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.
Thương nhân truy cập vào Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử thông qua việc đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống;
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký : Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, thương nhân được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống; sau khi đăng nhập, thương nhân chọn chức năng Thông báo website thương mại điện tử bán hàng và tiến hành khai báo thông tin. Trong thời hạn 3 ngày làm việc , thương nhân sẽ nhận được thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về việc xác nhận thông tin khai báo hợp lệ, đầy đủ hoặc chưa đạt để khai báo lại. Thương nhân cần theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp để tiến hành cập nhật và chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu.
Xác nhận thông báo từ Bộ Công thương: trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo đầy đủ, hợp lệ của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ gửi cho doanh nghiệp qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng, thể hiện thành biểu tượng đã thông báo. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin thông báo tương ứng doanh nghiệp tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
4. Thành lập công ty kinh doanh chứng khoán trực tuyến
Theo quy định tại khoản 21 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định:
Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 10 Điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CP thì được mua để sở hữu đến 100% vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán; được thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán 100% vốn nước ngoài.
Đồng thời, khoản 10 Điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 24 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP về điều kiện đối với tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn thành lập, mua để sở hữu 100% vốn của tổ chức kinh doanh chứng khoán:
- Là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và đã có thời gian hoạt động tối thiểu là 02 năm liền trước năm tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp;
- Cơ quan quản lý, giám sát chuyên ngành ở nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương về trao đổi thông tin, hợp tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán;
- Đáp ứng quy định có liên quan tại Khoản 6 Điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CP.
Như vậy, để thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp bạn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên.
Sau khi đáp ứng được các điều kiện đó, doanh nghiệp bạn sẽ thực hiện thủ tục cấp giấy phép thành lập công ty chứng khoán theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư 210/2012/TT-BTC.
Trường hợp thành lập công ty chứng khoán điện tử, doanh nghiệp bạn sẽ thực hiện theo thủ tục quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về mại điện tử như đã đề cập ở trên.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM