Hệ thống pháp luật

Công an xã có quyền bắt người vi phạm hay không?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL33393

Câu hỏi:

Ông A là chủ nhiệm hợp tác xã và được đảng ủy, ủy ban giao trách nhiệm thu mua nếp cho nhân dân, và dịch vụ thuê máy gặt thì do ông A tự thuê dịch vụ để gặt lúa cho dân, anh B cũng là công dân trong xã cũng thuê dịch vụ máy gặt ở nơi khác về để gặt lúa và nếp. Trước ngày thu hoạch anh B tới nhà ông A để xin gặt 1 số cánh đồng. ông A đã đồng ý và bảo là về xóm thông qua xóm trưởng và gặt lúa cho nhân dân, và ông B cũng đã về thông báo qua xóm trưởng và hẹn ngày gặt, nhưng đến ngày hôm sau, sau khi ông A làm việc với công ty thu mua nếp, (mọi năm công ty này đều thu mua nếp khô, nhưng năm nay thay đổi mua nếp tươi) và đã thay đổi nhập nếp tươi, và ông A đã thông báo tới các xóm trưởng trên toàn xã là dừng các máy gặt đang thu hoạch nếp và thông báo tới xóm trưởng là phải gặt máy của ông A mới nhập nếp cho dân, tối ngày hôm đó ông B cùng 2 người nữa ra nhà ông A chửi bới đe đánh ông A, vụ việc xảy ra tại nhà ông A nhưng ông A không báo cho công an xã, mà báo cho chủ tịch xã, sự việc xẩy ra lúc 3h, tới 20 giờ chủ tịch mới thông qua công an xã để làm thủ tục ngăn chặn ngày mai 2 máy xuống đồng gặt nếp không để xảy ra đánh nhau gây rối, sáng hôm sau công an xã đã làm việc và giao trách nhiệm cho 2 bên không được có hành vi gây rối, ông A ký biên bản, nhung ông B không ký bỏ về. Khi 2 máy xuống đồng, thì anh em của ông B đã có hành vi chửi bới ông A với nhiều lời nói xúc phạm, và đe đánh và phá máy của ông A ( không có bằng chứng ghi lại hiện trường xẩy ra sự việc, chỉ có nhân đân làm chứng) nên ông A đã không cho máy xuống gặt nếp, và đến trưa 2 máy cùng về không thu hoạch cho nhân dân, sau khi nhận được tin báo công an xã đã đến và mời anh em nhà ông B và ông A lên làm việc nhưng không thành, còn 1 người anh em của ông B khi ban công an xã mời lên làm việc cũng không lên, giấy triệu tập 2 lần cũng không lên, sau khi nếp đã chín ngoài đồng nhân dân rất phẫn nộ, công an xã đã mời ông A và anh B lên làm việc và ông B đã xin lỗi ông A, ông A đã chấp nhận lời xin lỗi và cho 2 máy ra đồng gặt, còn về ông A vẫn muốn anh em nhà ông B chửi bới xúc phạm ông A phải xin lỗi, nhưng khi được mời và giấy triệu tập anh em của ông B không chấp hành, công an xã đã xin ý kiến chỉ đạo của công an huyện, theo chỉ đạo công an xã không đủ thẩm quyền để bắt anh em nhà ông B, mà bên ủy ban lại bắt công an xã phải đưa anh em ông B lên làm việc, hiện tại sắp tới công an xã sẽ bị đình chỉ trưởng công an, vậy luật sư hãy cho biết trình trự và cách giải quyết vấn đề trên, xin cảm ơn Luật sư! 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Pháp lệnh công an xã 2008

Nghị định 167/2013/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Căn cứ Điều 9 Pháp lệnh công an xã 2008 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã như sau:

[…]

6. Tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang; tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an; cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng, thông tin thu thập được và tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý vụ việc.

7. Tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; dẫn giải người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp.

8. Xử phạt vi phạm hành chính; lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đối với người vi phạm pháp luật trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.

9. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã phối hợp hoạt động, cung cấp thông tin và thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.[…]”

Theo quy định trên, đối với vấn đề bắt người, công an xã chỉ có thẩm quyền bắt đối với người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; dẫn giải người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp, vì vậy, đối với hành vi của B và anh em của B trong trường hợp này, công an xã chỉ có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trong phạm vi thẩm quyền chứ không có quyền bắt người.

Theo thông tin bạn cung cấp, B và anh em của B có những lời lẽ xúc phạm đến B thì sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”

Theo Khoản 3 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì công an cấp xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.

Như vậy, trong trường hợp này, đối với hành vi vi phạm của B và anh em của B, công an xã có thẩm quyền xử phạt, không được phép bắt người.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM