Công an phường tịch thu phương tiện khi không lập biên bản
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12
Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com
Câu hỏi:
Cho em hỏi nếu khi vi phạm hành chính về bán hàng rong lề đường mà bị tịch thu phương tiện mà không lập biên bản. Tức công an phường làm sai pháp luật thì mình có quyền kiện hay khiếu nại gì không? Và hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Theo quy định của pháp luật và quy định cụ thể của từng tỉnh thành phố về những địa điểm không được bán hàng rong, theo đó người bán hàng rong vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP.
Căn cứ Khoản 1 Điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt các hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác trong phạm vi dành cho đường bộ như sau: "Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điềm c Khoản 3, điểm e Khoản 4 Điều này"
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bán hàng trên vỉa hè còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn vật liệu, chất phế thải, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp, người có thẩm quyền có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc tạm giữ tang vật, phương tiện hành chính.
Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Người bán hàng rong sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm nếu có hành vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 81/2013/NĐ-CP thì việc quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở các căn cứ sau đây:
Vi phạm nghiêm trọng được thực hiện do lỗi cố ý;
Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này, thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.
Hiện nay, pháp luật hiện nay chưa giải thích rõ thế nào là vi phạm hành chính nghiêm trọng. Thông thường, mức độ nghiêm trọng của tội phạm và vi phạm hành chính được xác định thông qua mức độ của hình phạt.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính, hoặc để đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Cụ thể hơn tại khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nêu rõ việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm chủ được thực hiện “trong trường hợp thật cần thiết”, bao gồm: nếu không tạm giữ thì không có cơ sở xử phạt hoặc nếu không tạm giữ thì tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Việc tạm giữ tang vật, phương tiện phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì dù tịch thu hay tạm giữ tang vật, phương tiện, cơ quan có thẩm quyền xử lý cũng phải lập thành biên bản theo quy định tại Điều 81 và Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Theo đó, công an phường có hành vi tịch thu phương tiện mà không lập biên bản là trái quy định pháp luật. Như vậy, bạn có quyền khiếu nại đến cơ quan của người công an phường đã tịch thu tang vật hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật khiếu nại 2011 , người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì sẽ thông báo lý do cho bạn.
Nếu quá thời hạn giải quyết giải quyết khiếu nại (45 ngày, có thể kéo dài không quá 60 ngày) mà cơ quan có thẩm quyền không giải quyết, hoặc đã giải quyết nhưng không đảm bảo quyền lợi cho bạn bạn có quyền khiếu nại lần hai tới thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính 2010.
Đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà không thực hiện xử phạt hành chính theo đúng trình tự, thủ tục thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo nội quy lao động tại nơi người đó đang làm việc.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691