Hệ thống pháp luật

Có thể giữ điện thoại của người lao động khi vào ca làm việc không?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL37492

Câu hỏi:

Xin hỏi, trong quá trình sử dụng lao động, trong quá trình làm việc người lao động hay sử dụng điện thoại (mục đích cá nhân), người sử dụng lao động muốn' tạm giữ' điện thoại của người lao động (trong thời gian làm việc) sau hết giờ làm việc sẽ trả lại, xin hỏi như vậy có được không? nếu không mình có thể làm thoả ước lao động giữa các bên để thực hiện việc này có được không? xin cảm ơn!?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật lao động 2012.

2. Nội dung tư vấn

– Căn cứ Điều 6 Bộ luật lao động 2012 quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động như sau:

"Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

a) Tuyển dụng, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

b) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

c) Yêu cầu tập thể lao động đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; trao đổi với công đoàn về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;

d) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc.

2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và thoả thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;

b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại với tập thể lao động tại doanh nghiệp và thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở;

c) Lập sổ quản lý lao động, sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

d) Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động và định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương;

đ) Thực hiện các quy định khác của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế."

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 6 Bộ luật lao động 2012 quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động nêu trên, người sử dụng lao động không có quyền tự ý thu giữ, chiếm giữ tài sản của người lao động dưới bất kì hình thức nào.

Trong trường hợp người lao động thường xuyên sử dụng điện thoại vào mục đích cá nhân gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc thì người sử dụng lao động có thể thương lượng với người lao động về việc ký kết thỏa ước lao động tập thể về nội dung "tạm giữ" điện thoại của người lao động trong thời gian làm việc hoặc thỏa thuận về hình thức phạt, kỉ luật người lao động nếu sử dụng điện thoại vào mục đích cá nhân trong thời gian làm việc.

– Căn cứ Điều 73 Bộ luật lao động 2012 quy định về thỏa ước lao động tập thể như sau:

"Điều 73. Thỏa ước lao động tập thể

1. Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.

Thỏa ước lao động tập thể gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định.

2. Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật."

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có thể thương lượng với người lao động về nội dung các biện pháp nâng cao hiệu quả công việc, hạn chế công việc cá nhân trong giờ làm việc và đưa ra yêu cầu người sử dụng lao động không được sử dụng điện thoại cá nhân trong giờ làm việc để đi đến thỏa ước lao động bằng văn bản có sự ký kết giữa hai bên.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM