Hệ thống pháp luật

Có giấy chuyển viện có phải chịu tiền xe cấp cứu không?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: HC9

Câu hỏi:

Bác sỹ cho hỏi con nhà em sinh non 7 tháng và sinh được 1 tháng thì bác sỹ chuyển ra bệnh viện nhi trung ương hà nội để khám mắt và có giấy chuyển viện và các giấy tờ liên quan khác tại sao cháu vẫn phải chịu tiền xe cấp cứu chuyển đi và nếu trường hợp xấu phải tiêm thuốc và chịu cả tiền thuốc. Em hỏi các bác sỹ sao cháu phải chịu tiền xe và tiền thuốc. Thì các bác sỹ trả lời là: Cháu không điều trị ở nhi trung ương nên phải chịu tiền thuốc. Thuốc đó không thuộc trong danh mục bảo hiểm. Cho em hỏi sao bé có đầy đủ giấy chuyển viện và các giấy tờ khác sao bé vẫn phải chịu tiền xe và tiền thuốc?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Về tiền xe cấp cứu:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và khoản 14 Điều 1 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí sau:

- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;

- Vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Điểm e khoản 3 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng bao gồm:

e) Trẻ em dưới 6 tuổi;

Theo đó, trường hợp con của bạn dưới 6 tuổi, thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, nếu con bạn thuộc trường hợp vận chuyển từ tuyến huyện lên bệnh viện nhi Trung ương để cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật thì mới được quỹ bảo hiểm y tế chi trả về vấn đề đi lại trong quá trình điều trị chuyển tuyến.

Về tiền thuốc điều trị:

Căn cứ vào Điều 4 Thông tư 40/2014/TT-BYT thông tư ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định về nguyên tắc chung về thanh toán chi phí thuốc đối với người bệnh có thể bảo hiểm y tế:

1. Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua vào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua thuốc, phù hợp với phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

2. Quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán đối với các trường hợp:

a) Chi phí các thuốc đã được kết cấu vào giá của dịch vụ kỹ thuật, giá ngày giường điều trị (ví dụ: các thuốc gây tê, gây mê, dịch truyền sử dụng trong phẫu thuật, thủ thuật hay thuốc cản quang dùng trong chẩn đoán hình ảnh, các thuốc tẩy trùng và sát khuẩn) hoặc giá thu trọn gói theo ca bệnh theo quy định hiện hành;

b) Phần chi phí của các thuốc có trong danh mục đã được ngân sách nhà nước chi trả;

c) Thuốc có trong danh mục sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học;

d) Các thuốc, lô thuốc đã có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt.

Do đó nếu con của bạn sử dụng những loại thuốc không nằm trong danh mục thuốc được chi trả chi phí của bảo hiểm xã hội thì không được quỹ bảo hiểm y tế chi trả mà bạn phải tự chi trả tiền thuốc đối với những loại thuốc đó.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM