Hệ thống pháp luật

Có được đòi lại tiền nhờ xin việc không?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41347

Câu hỏi:

Kính thưa Công ty Luật TNHH Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam Rất mong Cty tư vấn luật cho tôi. Tôi là Nguyễn Văn Đông, thời gian qua được người bạn giới thiệu quen biết một Giảng viên công chức, công tác tại Trường Chính Trị tại Hà Nội. Tôi có nhờ người này chạy công chức ngành giáo dục cho tôi tại một trường cấp II tại Hà Nội, với giá người này đưa ra là 200 triệu đồng hồi tháng 9/2015 với lời hứa sang tháng 2/2016 sẽ có quyết định vào biên chế. Nhưng cho đến nay đã qua 5 tháng nhưng chưa có quyết định gì. Tôi quyết định không tiếp tục chạy vào công chức nữa và đòi lại số tiền này nhưng người này bảo đang tiến hành thương lượng với những người trong đường dây chạy công chức để lấy lại tiền về cho tôi Khi đưa tiền tôi không viết giấy biên nhận gì, nhưng tôi có ghi lại video các cuộc gặp nói chuyện, tin nhắn nói chuyện, và gần đây tôi có bắt người nay viết giấy biên nhận tiền chạy công chức, người này đồng ý viết giấy nhưng không có người làm chứng, tôi có ghi âm (ghi hình nhưng không được rõ) được lúc người này nói chuyện viết giấy biên nhận. Vậy tôi có thể đòi lại được tiền của tôi từ người này bằng cách nào, nếu người này cố tình không trả tôi có thể kiện người này với các chứng cứ như trên được không. Tôi có bị truy cứu pháp luật về hành vi của tôi hay không. Rất mong quý Công ty tư vấn giúp tôi. Trân trọng cảm ơn?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự 2005

Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009

2. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại Điều 128, Điều 137 Bộ luật hình sự 2005:

Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng."

Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Trong trường hợp này, giao dịch giữa bạn và người bạn nhờ chạy việc làm là giao dịch trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, cho nên pháp luật không bảo về những giao dịch như vậy. Và theo Điều 128 Bộ luật dân sự 2005 thì đây là giao dịch dân sự vô hiệu, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận khôi phục lại tình trạng ban đầu. Như vậy, muốn đòi lại số tiền đã đưa cho người chạy việc, bạn có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu người đó phải chịu trách nhiệm dân sự. Khi khởi kiện ra tòa án, để yêu cầu người kia trả lại tiền cho bạn, bạn phải chứng minh được giữa hai bên có sự việc giao nhận tiền. Có thể chứng minh bằng các văn bản giao nhận tiền, bản xác nhận của người nhận tiền, các bản ghi âm, video ghi lại các quá trình giao dịch mà bạn đã thực hiện, thỏa mãn các điều kiện của Bộ luật Tố tụng Dân sự về chứng cứ chứng minh. Khi đó, nếu bạn chứng minh được có giao dịch giao nhận tiền giữa bạn và người đó thì tòa án sẽ xem xét và buộc người đó trả lại số tiền cho bạn.

Tuy nhiên, nếu người này cố tình không trả, người nhận chạy việc có hành vi thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 như sau:

                                                            

Điều 140 Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản……

Thủ tục tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đến cơ quan công an, viện kiểm sát như sau

 Hồ sơ gồm có:
– Đơn tố cáo và đề nghị khởi tố gửi Viện kiểm sát nhân dân
– Bằng chứng, chứng cứ kèm theo (nếu có) 

Tuy nhiên, việc dùng tiền để chạy công chức trong ngành giáo dục của bạn cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 289 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009:

Điều 289. Tội đưa hối lộ

1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần,  thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm  mươi triệu đồng;

e ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, hoặc tù chung thân 

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM