Hệ thống pháp luật

Có được chi trả chế độ ốm đau trong thời gian nghỉ thai sản

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: LD284

Câu hỏi:

Kính gửi Luật sư Em xin tư vấn 1 câu hỏi: Em đang nghỉ chế độ thai sản 6 tháng từ ngày 01/11/2015 đến ngày 01/05/2016. nhưng em đi làm sớm là từ ngày 16/03/2016, đến ngày 20/03/2016 em bị ốm (mổ ruột thừa) và nghỉ tổng cộng 15 ngày. Theo luật chế độ thai sản trường hợp thỏa thuận với người lao động đi làm sớm thì em vẫn được trả lương và được hưởng chế độ thai sản 6 tháng. Em xin hỏi: chế độ ốm do mổ ruột thừa 15 ngày thì em có được cơ quan BHXH hoặc công ty trả 15 ngày đó ko? nếu được trả thì em cần phải làm thủ tục gì? Trân trọng kính chào

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định của Bộ luật lao động 2012, khoảng thời gian bạn đi làm sớm (từ ngày 16/3/2015 đến ngày 1/5/2016) bạn sẽ được trả cả tiền lương và tiền bảo hiểm thai sản.

Điều 157. Nghỉ thai sản

1. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.

Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội

Tuy nhiên từ ngày 20/3/2016 đến ngày 3/4/2016 (15 ngày), bạn nghỉ việc mổ ruột thừa nên bạn không được nhận lương (tiền bảo hiểm thai sản vẫn nhận bình thường). Về phần chế độ ốm đau, bạn vẫn được hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014. Điều này được quy định rõ trong Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH:

Điều 3. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau:

a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

b) Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

c) Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

...

Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

2. Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này được áp dụng đối với các hợp đồng sau:

...

b) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau tính bằng ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ tết, nghỉ hàng tuần. Do đó trong 15 ngày nghỉ đó, bạn phải trừ bớt đi các ngày nghỉ lễ tết, nghỉ hàng tuần. Thời gian còn lại, bạn sẽ được hưởng chế độ ốm đau đầy đủ. Để được hưởng chế độ này, bạn cần nộp lại giấy ra viện (trong trường hợp điều trị nội trú) hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (trong trường hợp điều trị ngoại trú) cho người sử dụng lao động trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Sau đó người sử dụng lao động sẽ làm hồ sơ để bạn được hưởng bảo hiểm xã hội.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM