Hệ thống pháp luật

Chia di sản thừa kế khi một trong các thừa kế đã chết

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: DS430

Câu hỏi:

Tôi là con của mẹ và chồng cũ của mẹ. Sau đó mẹ ly hôn với bố tôi và lấy chồng khá, sinh ra em tôi. Dượng và mẹ ở cùng ông nội trong ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của ông nội. Sau vài năm thì ông nội mất, dượng cũng mất nhưng không để lại di chúc. Các con của ông nội về đòi lấy ngôi nhà và đuổi mẹ tôi đi. Vậy tôi muốn hỏi mẹ và em tôi có được hưởng quyền lợi gì từ ngôi nhà ông nội để lại không?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Khi ông nội chết, không để lại di chúc, di sản là ngôi nhà thuộc sở hữu của ông được chia cho người thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật được xác định theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự.
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Dượng của bạn là con đẻ của ông nội nên thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên, do dượng đã chết nên việc xác định quyền hưởng di sản của ông nội phụ thuộc vào thời điểm chết của dượng. Cụ thể như sau:
- Nếu dượng bạn chết sau ông nội: Tại thời điểm mở thừa kế của ông nội (thời điểm ông chết), dượng vẫn còn sống nên dượng có quyền hưởng di sản do ông nội để lại. Đến nay, khi các đồng thừa kế tiến hành chia di sản do ông nội để lại thì dượng bạn đã chết nên không thể nhận phần di sản đó nữa. Do vậy, phần di sản mà dượng bạn được hưởng sẽ được chia cho các đồng thừa kế theo pháp luật của dượng bạn. Căn cứ Điều 676 Bộ luật Dân sự nêu trên thì mẹ bạn (với tư cách là vợ của dượng) và em bạn (với tư cách là con đẻ của dượng) sẽ được nhận phần di sản mà dượng được hưởng từ ông nội.
- Nếu dượng bạn chết trước ông nội: Theo quy định tại Ðiều 677 Bộ luật Dân sự về thừa kế thế vị: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Do đó, em của bạn (với tư cách là con đẻ của dượng) sẽ được hưởng phần di sản mà dượng bạn được hưởng từ ông nội nếu dượng còn sống.
Vậy, bạn có thể căn cứ thời điểm dượng bạn chết để xác định quyền lợi của mẹ và em bạn đối với di sản là ngôi nhà do ông nội để lại.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM