Hệ thống pháp luật

chi phí

"chi phí" được hiểu như sau:

Toàn bộ các hao phí lao động, hao phí công cụ lao động và hao phí vật chất tính thành tiền để thực hiện một công việc nhất định.Việc xác định chi phí là điều kiện để thực hiện các hoạt động một cách có hiệu quả. Tính chi phí có ý nghĩa lớn trong quản lý doanh nghiệp sản xuất hay thương mại; phân tích và lựa chọn những phương án sản xuất và kinh doanh có lợi nhất, xác định khối lượng sản phẩm tối ưu cho một thời gian ngắn, đánh giá năng suất và hiệu quả của doanh nghiệp, định ra chủ trương và phương hướng giảm chi phí, làm cơ sở cho việc tính toán và định giá thành và giá bán. Trong kinh doanh, chi phí được phân chia làm nhiều loại. Căn cứ vào giai đoạn sử dụng chi phí, có chi phí sản xuất và chi phí lưu thông; căn cứ vào tính chất của chi phí, có chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp; căn cứ vào hình thức biểu hiện, có chi phí lao động và chi phí vật chất, về mặt pháp lý, chi phí được phân chia làm hai loại chủ yếu là chi phí hợp lý, hợp lệ và chi phí không hợp lý, không hợp lệ. Trong tính thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí hợp lý, hợp lệ là chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Để quản lý thuế, pháp luật quy định tất cả các doanh nghiệp phải phản ánh trung thực các loại chi phí trên sổ sách kế toán. Theo yêu cầu của tái sản xuất sản phẩm xã hội phải chia ra các loại chi phí sau: chi phí bộ phận (cho một sản phẩm, một dịch vụ); chi phí toàn bộ của doanh nghiệp; chi phí sản xuất (loại chi phí tạo ra giá trị sử dụng của sản phẩm); chi phí sử dụng hay chi phí tiêu dùng (loại chi phí để biến giá trị sử dụng tiềm tàng thành giá trị sử dụng thực tế).