Hệ thống pháp luật

chế tài hình sự

"chế tài hình sự" được hiểu như sau:

Chế tài được quy định trong quy phạm pháp luật hình sự và được áp dụng với người thực hiện hành vi phạm tội.Chế tài hình sự là bộ phận hợp thành của quy phạm pháp luật hình sự, xác định loại và giới hạn mức độ hình phạt có thể áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong quy phạm pháp luật hình sự đó. Xét về tính chất, chế tài hình sự là chế tài trừng trị. Xét về hình thức, chế tài hình sự có thể được quy định theo các cách sau: 1) Chế tài được quy định chỉ là một loại hình phạt và có quy định mức tối thiểu và mức tối đa. Ví dụ: "... thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm” (Điều 95, Khoản 1 Bộ luật hình sự năm 1999); 2) Chế tài được quy định chỉ là một loại hình phạt nhưng chỉ có quy định mức tối đa. Ví dụ: "... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm” (Điều 94 Bộ luật hình sự năm 1999). Trong trường hợp này phải hiểu mức tối thiểu chính là mức tối thiểu của loại hình phạt được quy định; 3) Chế tài được quy định bao gồm nhiều loại hình phạt khác nhau cùng với mức tối đa và tối thiểu của từng loại. Ví dụ: "... thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm" (khoản 1, Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999).Việc quy định chế tài như thế nào phụ thuộc vào từng loại tội phạm nhưng phải theo nguyên tắc; vừa tạo điều kiện cho người áp dụng có thể thực hiện được việc cá thể hóa hình phạt nhưng cũng phải hạn chế được sự lạm dụng, tùy tiện của người áp dụng. Theo nguyên tắc này luật hình sự không thể quy định chế tài của một tội chỉ là một loại hình phạt mà hình phạt đó không có mức độ khác nhau như chỉ quy định là hình phạt tù chung thân hay chỉ là hình phạt tử hình hay chỉ quy định hình phạt tù với một mức độ cụ thể. Mặt khác, luật hình sự cũng không được quy định chế tài với quá nhiều loại hình phạt cũng như với khoảng cách quá rộng từ mức tối thiểu đến mức tối đa ở một loại hình phạt.