Hệ thống pháp luật

Chế độ trợ cấp cho thanh niên xung phong

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: HC79

Câu hỏi:

Tôi xin hỏi câu như sau. Mẹ tôi tham gia thanh niên xung phong làm đường phục vụ kháng chiến. Trong lúc làm nhiệm vụ bị bom mỹ đánh phá bị thương nặng phải nằm điều trị 3 tháng. Sau đó do không còn đủ sức khỏe nên được đơn vị giới thiệu về làm công nhân. Khi về mẹ tôi nói đã nộp toàn bộ lý lịch và giấy ra viện cho Cục đường bộ (Bộ GTVT). Nay gia đình lên xin lại để làm chế độ thì không thể tìm lại được nữa. Hiện nay gia đình chỉ xin được chứng thực của 2 đồng đội cũ với mẹ tôi là bà có thời gian tham gia công tác TNXP và bị thương. Tôi muốn hỏi như trường hợp của mẹ tôi có làm thủ tục để xin hưởng chế độ thương binh được không? Gia đình cần làm những thủ tục gì? Ở đâu? Tôi muốn xin cho mẹ tôi đi giám định lại thương tật để làm chế độ thì cần có thêm giấy tờ gì? Hỏi ở đâu? Gia đình tôi xin chân thành cảm ơn. Mong luật sư.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP

2. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Tại Điều 11 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP quy định thủ tục xác nhận đối với người bị thương không thuộc lực lượng quân đội, công an như sau:

“1. Người bị thương lập bản khai cá nhân (Mẫu TB) kèm theo giấy tờ chứng minh tham gia cách mạng quy định tại Khoản 1 Điều 6 gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú trước khi tham gia cách mạng và tùy từng trường hợp kèm theo một trong các giấy tờ sau:

a) Trường hợp quy định tại Điểm a, b Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này kèm theo giấy tờ, tài liệu chứng minh bị thương;

b) Trường hợp có dị vật kim khí trong cơ thể quy định tại Điểm d, đ Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này phải có kết quả chiếu, chụp và kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên hoặc bệnh viện quân đội, công an."

Tuy nhiên theo thông tin bạn cung cấp thì mẹ bạn đã nộp toàn bộ lý lịch và giấy ra viện cho cục đường bộ(nay là bộ Giao thông vận tải) tuy nhiên hiện giờ không tìm thấy. Theo Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP này có hướng dẫn:

Người thoát ly tham gia cách mạng hoặc hoạt động không thoát ly nhưng sau đó thoát ly tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước phải có một trong các giấy tờ sau: lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân; lý lịch công an nhân dân; quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc; hồ sơ bảo hiểm xã hội hoặc các giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước. Trường hợp không còn một trong các giấy tờ nêu trên nhưng đã được hưởng trợ cấp theo các Quyết định sau đây của Thủ tướng Chính phủ thì thực hiện như quy định tại Điểm b Khoản này:

Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002 về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ 31/12/1960 trở về trước;

Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước;

Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương;

Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc;

Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.

Quyết định số số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

Do đó, nếu đã mất sơ yếu lí lịch nhưng mẹ bạn đã được hưởng trợ cấp theo một trong các quyết định trên thì có thể được hưởng trợ cấp. Gia đình bạn cần liên hệ trực tiếp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương hoặc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể về hồ sơ.

Bạn cần chuẩn bị hồ sơ thẩm định lại thương tật cho mẹ bạn gồm:

a) Đơn đề nghị giám định lại thương tật;

b) Bản sao bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện cấp huyện trở lên, trường hợp phẫu thuật phải có thêm phiếu phẫu thuật của bệnh viện cấp huyện trở lên;

c) Bản sao giấy chứng nhận bị thương;

d) Bản sao biên bản của các lần giám định trước;

đ) Công văn đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định và trả kết quả đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi nhận được kết quả thẩm định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu những trường hợp đủ điều kiện (kèm hồ sơ đã thẩm định) ra Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền.

  • Nếu biên bản giám định thương tật lần cuối do Hội đồng giám định y khoa của quân đội, công an hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh khám giám định thì giới thiệu ra Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.
  • Nếu biên bản giám định thương tật lần cuối do Hội đồng giám định y khoa trung ương khám giám định thì giới thiệu ra Hội đồng giám định y khoa trung ương. Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền tổ chức khám giám định, xác định lại tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật.

Sau khi nhận biên bản giám định thương tật Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm ra quyết định điều chỉnh chế độ ưu đãi.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM