chế độ lộc điền
"chế độ lộc điền" được hiểu như sau:
Chế độ ruộng đất mà nhà vua ban cấp cho quan lại, người thân để khai thác, sử dụng, coi đó như món quà, bổng lộc mà nhà vua ban tặng.Chế độ lộc điền được tồn tại từ thời phong kiến, song thể hiện rõ nhất trong luật lệ của triều Lê (từ năm 1428 đến năm 1788). Chế độ lộc điền thực chất là việc nhà vua - với tư cách là người đại diện tối cao của nhà nước phong kiến trung ương đã định ra luật lệ về việc ban cấp ruộng đất cho tầng lớp quan lại cấp cao và những người thân thuộc trong hoàng tộc để hưởng dụng. Lộc điền là một trong những bổng lộc của quan lại (bao gồm: Tuế bổng - tiền được cấp hàng năm; Thực hộ - số hộ dân để sai phái, nộp thuế, hoặc cung cấp mắm muối; Lộc điền - ruộng đất được ban cấp để hưởng dụng). Người được cấp lộc điền là những quan lại cao cấp từ Thân vương đến các quan hàm tứ phẩm, những người thuộc tầng lớp cao cấp nhất của nhà nước phong kiến. Căn cứ để được nhà vua ban cấp lộc điền là hàm cấp, tước phẩm của quan lại hoặc lập công được vua ban thưởng, ghi công. Ruộng đất cấp theo chế độ lộc điền được chia làm 2 loại; loại ruộng đất thế nghiệp và loại cấp tạm thời cho hưởng dụng. Đối với loại ruộng đất thế nghiệp, thì được truyền lại cho con cháu đời sau tiếp tục được hưởng lộc. Đối với loại ruộng đất cấp tạm thời cho hưởng dụng, thì người hưởng dụng chết, sau 3 năm, con cháu người này phải trả lại số ruộng đất (lộc điền) mà không được ẩn lậu. Trong mọi trường hợp, nhà nước phong kiến trung ương mà đại diện là nhà vua luôn khẳng định quyền sở hữu tối cao và tuyệt đối đối với số ruộng đất được cấp theo chế độ lộc điền. Nhà vua có thể thu hồi lại số ruộng đất đã cấp theo chế độ lộc điền trong một số trường hợp nhất định khi có nhu cầu.