chế độ công điền, công thổ
"chế độ công điền, công thổ" được hiểu như sau:
Hình thức sở hữu của nhà nước đối với ruộng đất trong xã hội phong kiến Việt Nam và trong một mức độ nhất định vẫn được duy trì dưới thời Pháp thuộc.Các triều đại phong kiến Việt Nam thực hiện chế độ công điền, công thổ để ban, cấp cho những người được phong tước, là công thần hoặc cấp lộc cho các quan lại, quân lính hoặc chia cho dân đinh đến tuổi tạp dịch (từ 18 tuổi trở lên) cày cấy và nộp thuế. Ruộng đất công điền, công thổ gồm: 1) Quan thổ, ruộng đất chia cho dân luân phiên nhau cày cấy và nộp tô cho Nhà nước; 2) Các loại ruộng phân cấp đồn điền, đất hoang và một bộ phận ruộng đất của chùa chiền. Thực hiện chế độ công điền, công thổ thì những vương hầu, quý tộc và quan lại được cấp ruộng đất, song thực chất là những người thay mặt nhà nước phong kiến đứng ra quản lý và tiến hành thu tô mà không có quyền sở hữu đối với ruộng đất được cấp. Mặt khác, nhà nước phong kiến không lấy ruộng đất công của xã này đem chia cho những người ở xã khác, mà được sử dụng trong phạm vi của xã, thôn. Nhà nước phong kiến đặt ra những hình phạt hà khắc xử lý những người vi phạm chế độ công điền, công thổ như Điều 342 Bộ Quốc triều hình luật (hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức) có quy định. “Bán ruộng đất công cấp cho hay bán ruộng đất khẩu thì xử trượng - Biếm hai tư” và Điều 343 quy định: “chiếm ruộng cày quá số hạn định thì phải phạt 80 trượng”.Bàn đến chế độ công điền, công thổ dưới thời phong kiến Việt Nam, ngay từ năm 1921 đã có nhận xét: “Luật pháp An Nam cấm mua bán toàn bộ đất đai. Hơn nữa, 1/4 đất trồng trọt bắt buộc phải để làm của chung. Cứ ba năm người ta chia lại ruộng đất đó. Mỗi người dân trong xã thôn được nhận một phần. Điều đó không hề ngăn cản một số người trở nên giàu có, vì còn 3/4 đất đai khác có thể mua bán, nhưng nó có thể cứu nhiều người khác thoát khỏi cảnh bần cùng" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, tr. 36).Chế độ công điền, công thổ bị xóa bỏ trong cải cách ruộng đất.