Hệ thống pháp luật

chế độ chính trị

"chế độ chính trị" được hiểu như sau:

Hệ thống các nguyên tắc, phương thức, biện pháp, thủ đoạn thực hiện quyền lực nhà nước.Hệ thống pháp luật, những quyền năng thực tế mà các cơ quan, nhân viên nhà nước được giao sử dụng và những hình thức pháp lý tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước là biểu hiện cụ thể của chế độ chính trị của một quốc gia.Chi phối trực tiếp chế độ chính trị của một quốc gia là đối sánh lực lượng giai cấp, quy mô và hình thức của đấu tranh giai cấp đang diễn ra trong xã hội. Có ảnh hưởng đến chế độ chính trị của một nước là truyền thống lịch sử xây dựng, phát triển của quốc gia và tình hình, hoàn cảnh quốc tế cũng trực tiếp chi phối cung cách hành sự của chế độ chính trị.Ở những hình thái kinh tế - xã hội khác nhau, với kiểu nhà nước khác nhau thường tồn tại những chế độ chính trị khác nhau và ngay những quốc gia tồn tại dựa trên cùng một hình thái kinh tế - xã hội, do truyền thống lịch sử chi phối, vẫn tồn tại những chế độ chính trị khác nhau.Tại một quốc gia tồn tại trong khuôn khổ một kiểu nhà nước, ở những thời đoạn lịch sử khác nhau có thể xác lập những chế độ chính trị không những khác nhau mà có khi còn đối lập nhau. Do bị chi phối bởi truyền thống lịch sử mà chế độ chính trị được thiết lập sau, trong khuôn khổ một kiểu nhà nước khác, khi thay đổi chế độ chính trị có thể có sự tiếp thu, kế thừa nhiều dấu hiệu của chế độ chính trị ra đời trước và đã bị thay đổi. Tất cả những điều đó nói lên tính đa dạng của chế độ chính trị trong lịch sử của các chế độ xã hội khác nhau. Tuy nhiên, đằng sau tất cả cái đa dạng của những biểu hiện thuộc các chế độ chính trị khác nhau đó không gì có thể làm mờ đi bản chất giai cấp là biểu hiện chủ yếu, có tính quyết định của chế độ chính trị của các quốc gia khác nhau: bản chất giai cấp của kiểu nhà nước - chiếm hữu nô lệ, phong kiến hay tư sản. Nói một cách khác, dù được thiết lập với những biểu hiện đặc thù rất khác nhau, các chế độ chính trị khác nhau khi được thiết lập trong khuôn khổ một kiểu nhà nước đều phục vụ cho kiểu nhà nước đó và mang cùng một bản chất giai cấp của kiểu nhà nước đó. Dù phát xít độc tài như chế độ chính trị của nhà nước Đức phát xít hoặc cộng hòa dân chủ như ở các nước tư sản khác cùng thời, thì đó đều là chế độ chính trị của kiểu nhà nước tư sản.Có thể nói, trong lịch sử hàng ngàn năm của các kiểu nhà nước chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư sản có rất nhiều phương thức, biện pháp, thủ đoạn rất khác nhau được vận dụng trong tổ chức chế độ chính trị phục vụ cho việc tổ chức, thực thi quyền lực nhà nước như quân chủ tuyệt đối, độc tài chuyên chế, thẩm quyền tuyệt đối, nhà nước quân phiệt, nhà nước cảnh sát, sen đầm, cộng hòa quý tộc, dân chủ chủ nô, chuyên chế khai hóa, quân chủ lập hiến, cộng hòa dân chủ, nhưng nói một cách chung nhất, có hai loại hình chế độ chính trị: dân chủ và phản dân chủ thay thế nhau với những cấp độ khác nhau, như chế độ chính trị dân chủ với các cấp độ: dân chủ rộng rãi - dân chủ hạn chế, dân chủ thực sự - dân chủ hình thức, giả dối và chế độ chính trị phản dân chủ cũng vậy, cũng có nhiều cấp độ phản dân chủ.Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ chính trị được thể hiện xét theo bản chất, có đặc trưng tiêu biểu - dân chủ mang tính chất thực sự và rộng rãi, lần đầu tiên trong lịch sử có cơ chế bảo đảm sự bình đẳng, ngang quyền, dân chủ, tự do đối với mọi cá nhân thuộc mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết, thống nhất trên nền tảng của khối đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân, như ở Việt Nam, nhằm hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tất nhiên, đây là cả một quá trình, đòi hỏi nhiều bước đi với nhiều thập kỷ có khi rất khẩn trương và vững chắc để tiến tới đích. Trong quá trình đó, có thể có giai đoạn chế độ chính trị vận hành kém hiệu quả, có những vi phạm dân chủ nghiêm trọng, phải có sự điều chỉnh, kiện toàn, củng cố.Cần có sự phân biệt nhất định khái niệm "chế độ chính trị” được dùng phổ biến trong môn lý luận chung về nhà nước và pháp luật được hiểu là hệ thống các phương thức, biện pháp, thủ đoạn tổ chức, thực thi quyền lực nhà nước dân chủ hoặc phản dân chủ và "chế độ chính trị” trong ngành luật hiến pháp, như quy định của hiến pháp nhiều nước vẫn thường dành cả Chương I để quy định về chế độ chính trị với tính cách là một thiết chế hiến định được hiểu theo một nghĩa rộng, bao quát hơn: là hệ thống các phương thức, biện pháp, thủ đoạn, nguyên tắc không chỉ trong tổ chức, thực thi quyền lực nhà nước mà cả trong tổ chức, hoạt động của cả hệ thống chính trị trong một quốc gia.Hiến pháp của hầu hết các nước thường dành Chương I - chương mở đầu để quy định về chế định "chế độ chính trị", nói lên vị trí cơ bản, xuất phát điểm của chế định này trong hiến pháp của một nước. Có thể nói, các chương tiếp theo của các hiến pháp là sự cụ thể hóa các quy định xuất phát điểm của chương mở đầu này.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, chế độ chính trị được quy định tại Chương I Hiến pháp năm 2013 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 28 tháng 11 năm 2013.