Hệ thống pháp luật

chấp thuận

"chấp thuận" được hiểu như sau:

Sự thỏa thuận được thể hiện bằng hợp đồng, điều ước, chứng thư, thỏa ước về một yêu cầu nào đó.Chấp thuận là thể hiện cùng đồng ý, nhất trí ý kiến hoặc quyết định của ít nhất hai chủ thể về cùng một vấn đề được đưa ra. Đó là sự hòa hợp về sự hiểu biết và ý định của hai hoặc nhiều hơn các bên liên quan đến hiệu lực hóa quyền và nghĩa vụ của các bên về các sự kiện hoặc hành vi trong quá khứ hoặc tương lai. Chấp thuận là hành vi khẳng định, chấp nhận, thỏa mãn về việc gì đó hoặc đồng ý để hành động hoặc đồng ý cho hành vi do một hoặc một số người thực hiện. Chấp thuận có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản. Chấp thuận có thể có điều kiện hoặc vô điều kiện. Chấp thuận có điều kiện là việc vận hành hoặc có hiệu lực của điều được chấp nhận phụ thuộc vào việc thực hiện hoặc không thực hiện một việc, sự xảy ra hoặc không xảy ra của một điều kiện dự phòng.Theo pháp luật về hợp đồng dân sự Việt Nam thì chấp thuận và chấp nhận hợp đồng là đồng nghĩa và có cùng một nội dung với nhau. Theo đó, khi một bên đề nghị bên kia giao kết hợp đồng có nêu rõ nội dung của hợp đồng mà bên kia có trả lời chấp thuận hoặc chấp nhận nội dung đó thì coi như hợp đồng đã được thỏa thuận. Thậm chí hợp đồng cũng coi như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng nếu có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp thuận.Trong pháp luật về đầu tư nước ngoài, chấp thuận đồng nghĩa với việc phê chuẩn. Khi cá nhân hoặc tổ chức xin phép được đầu tư vào Việt Nam, nếu các dữ liệu đưa vào hồ sơ xin phép phù hợp với yêu cầu của pháp luật Việt Nam thì hồ sơ sẽ được các cơ quan nhà nước chấp thuận bằng văn bản chuẩn y.