chấp hành ngân sách nhà nước
"chấp hành ngân sách nhà nước" được hiểu như sau:
Tổ chức thực hiện việc thu, chi theo dự toán ngân sách đã được Quốc hội quyết định.Chấp hành ngân sách nhà nước là hoạt động của hệ thống cơ quan hành pháp theo phân cấp quản lý kinh tế - tài chính, gồm Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp. Nội dung của chấp hành ngân sách nhà nước là tổ chức thực hiện các khoản thu và các khoản chi ngân sách nhà nước. Tổ chức thực hiện các khoản thu ngân sách nhà nước là tập trung các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác đã ghi trong dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật để lập quỹ ngân sách nhà nước. Tổ chức thực hiện các khoản chi ngân sách nhà nước là phân phối và sử dụng quỹ ngân sách nhà nước theo dự toán ngân sách nhà nước trên cơ sở các chính sách, chế độ chi tiêu ngân sách nhà nước do pháp luật quy định. Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2002, việc chấp hành ngân sách nhà nước được tiến hành sau khi được Thủ tướng chính phủ, ủy ban nhân dân giao dự toán ngân sách. Các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, các đơn vị dự toán có trách nhiệm phân bổ và giao dự toán ngân sách cho từng đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc, bảo đảm đúng với dự toán được giao về từng mức, chi tiết theo từng lĩnh vực chi. Việc phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng phải hoàn thành trước ngày 31.12 năm trước. Trong trường hợp vào đầu năm ngân sách, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, cơ quan tài chính các cấp được phép tạm cấp kinh phí cho các nhu cầu chi tiêu không thể trì hoãn được.Trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước, các ngành, các cấp và các đơn vị không được đặt ra các khoản thu, chi trái với quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước phải tổ chức hạch toán kế toán, báo cáo và quyết toán theo đúng chế độ kế toán nhà nước.