Hệ thống pháp luật

Chấm dứt hợp đồng lao động do công ty dừng hoạt động

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL37571

Câu hỏi:

Dạ em xin chào luật sư! Luật sư cho em hỏi, em làm cho 1 công ty ở dạng tập đoàn gồm nhiều công ty hỗ trợ nhau chứ không phải dạng công ty mẹ, công ty con trong đó có 1 công ty chính. Em vào làm từ tháng 3/2015, công việc là phục vụ cho công ty chính nhưng đóng bảo hiểm lại là công ty khác. Đến tháng 5/2016, em chuyển sang đóng bảo hiểm ở công ty chính. Nhưng hiện tại công ty chính đang mới bị tước giấy phép hoạt động. Công ty này yêu cầu giảm biên chế, kết thúc hợp đồng lao động với em đến hết tháng 10/2016. Công ty gặp em thông báo giảm biên chế trước 30 ngày nhưng chưa có văn bản cụ thể. Vậy em xin hỏi khi nghỉ việc, em có được hưởng trợ cấp gì không ạ? Em xin chân thành cảm ơn luật sư! Rất mong sự hồi đáp sớm của luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật lao động 2012

Nghị định 05/2015/NĐ-CP

Luật doanh nghiệp 2014

2. Nội dung tư vấn

Tại Điều 211, Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau:

"Điều 211. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;

b) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 18 của Luật này thành lập;

c) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;

d) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;

đ) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án."

Theo quy định của điểm d khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 thì công ty bị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh là một trong những trường hợp giải thể doanh nghiệp.

Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 quy định về trợ cấp thôi việc như sau:

“Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn làm việc cho Công ty từ tháng 03/2015 đến tháng 10/2016 thì chấm dứt hợp đồng lao động, thời gian làm việc thường xuyên cho người lao động đã trên 12 tháng, nghỉ việc theo khoản 7 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012, cụ thể là người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động và bạn không thuộc trường hợp nghỉ hưu (đáp ứng điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội) hoặc không thuộc trường hợp sa thải thì được hưởng trợ cấp thôi việc.

Theo đó, mỗi năm làm việc sẽ được tính bằng nửa tháng tiền lương của tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động 06 tháng liền kề trước khi bạn nghỉ việc. 

Khoản 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó:

– Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM