Câu hỏi liên quan đến hiến pháp qua các thời kỳ
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12
Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com
Câu hỏi:
Luật sư trả lời giúp em các câu hỏi sau:
1.Tất cả các cơ quan nhà nước đều được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Thủ tục ban hành và thủ tục sửa đổi hiến pháp được quy định trong Hiến pháp 2013 giống Hiến pháp 1946.
3. Hiến pháp 1980 chưa đảm bảo nguyên tắc tính khả thi của các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Tất cả các cơ quan nhà nước đều được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ: Nhận định đúng.
Căn cứ Điều 8 Hiến pháp 2013 quy định:
"1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền."
Như vậy, đối với hoạt động của tất cả các cơ quan Nhà nước đều thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ theo quy định tại Hiến pháp 2013.
2. Thủ tục ban hành và thủ tục sửa đổi hiến pháp được qui định trong Hiến pháp 2013 giống Hiến pháp 1946: Khẳng định Sai
* Thủ tục ban hành hiến pháp:
- Quyền đề xuất:
Hiến pháp 2013: Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận
Hiến pháp 1946: Nghị viện.
- Biểu quyết:
Hiến pháp 2013: Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; trường hợp làm Hiến pháp,sửa đổi Hiến pháp, quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.
Hiến pháp 1946: Nghị viện ưng chuẩn, Chủ tịch nước bắt buộc phải ban bố
- Hiệu lực:
Hiến pháp 2013: Luật, pháp lệnh phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày được thông qua, trừ trường hợp Chủ tịch nước đề nghị xem xét lại pháp lệnh.
Hiến pháp 1946: chậm nhất là 10 hôm sau khi nhận được thông tri.
* Thủ tục sửa đổi hiến pháp:
- Đề xuất:
Hiến pháp 1946: Do 2/3 tổng số Nghị viên yêu cầu (khoản a, Điều 70).
Hiến pháp 2013: Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, hoặc ít nhất 1/3 Đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp (Khoản 1, Điều 120).
Như vậy, Hiến pháp 2013 có số lượng đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhiều hơn Hiến pháp 1946.
- Soạn thảo:
Hiến pháp 1946: Ban dự thảo
Hiến pháp 2013: Ủy ban dự thảo
* Hiến pháp 1946 là Ban, Hiến pháp 2013 là Ủy Ban.
- Tỷ lệ yêu cầu:
Hiến pháp 1946: Ít nhất 2/3 nghị viên yêu cầu.
Hiến pháp 2013: Ít nhất 2/3 Đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.
* Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 2013 không khác nhau.
- Hiệu lực:
Hiến pháp 1946: Toàn dân phúc quyết là bắt buộc
Hiến pháp 2013: Trưng cầu dân ý do Quốc hội Quyết định.
Hiến pháp 1946 phúc quyết là bắt buộc, Hiến pháp 2013 do Quốc hội quyết định không bắt buộc trưng cầu dân ý.
3. Hiến pháp 1980 chưa đảm bảo nguyên tắc tính khả thi của các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: Khẳng định Đúng.
Hiến pháp 1980 được coi là sự mở đầu cho quá trình hoàn thiện các quyền xã hội cơ bản của công dân ở nước ta. Hiến pháp 1980 có 21 điều quy định 45 quyền cơ bản của công dân, trong đó có 10 điều quy định 17 quyền xã hội cơ bản (có 7 quyền mới). Có thể lấy ví dụ như: Quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân (Điều 55), quyền bầu cử và ứng cử (Điều 57), quyền lao động (Điều 58), quyền nghỉ ngơi (Điều 59), quyền tự do tín ngưỡng (Điều 68), quyền khiếu nại và tố cáo (Điều 73), quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 69)...
Tuy nhiên, có một số quyền chưa đảm bảo nguyên tắc tính khả thi, đơn cử như: quy định "chế độ học không phải trả tiền" (Điều 60), "công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe. Nhà nước thực hiện chế độ khám và chữa bệnh không phải trả tiền" (Điều 61). Các quyền này không phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước thời kỳ bấy giờ, song, nhìn theo hướng tích cực đây có thể coi là một sự đột phá mà các nhà lập hiến có thể học hỏi trong tương lai gần để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho công dân Việt Nam.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691