Cảnh sát giao thông 'núp lùm' Luật có cấm?
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12
Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com
Câu hỏi:
Liên quan đến vụ việc Cảnh sát giao thông “núp lùm” để xử lý vi phạm giao thông mà báo chí phản ánh. Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến hỏi đáp pháp luật có cấm CSGT “núp lùm”?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Theo báo Thanh Niên ghi nhận ở một vài tuyến đường tại Tp.HCM trong lúc CSGT làm nhiệm vụ. Khoảng 11 giờ trưa ngày 9.12, hai chiến sĩ CSGT đang chạy trên Quốc lộ 50, đoạn thuộc xã Đa Phước, H. Bình Chánh thì tấp xe vào bên trong lề đường để làm nhiệm vụ.
Theo quan sát, đoạn đường này xe container, xe tải và lượng xe máy di chuyển tấp nập. Hơn nữa, các bảng hiệu người dân dựng dọc đường chật kín, việc này khiến người bị CSGT thổi phạt khuất tầm nhìn và nhiều trường hợp đã tỏ ra giật mình, gây nhiều hiểm nguy cho lượng phương tiện đang di chuyển.
Không những thế, vì các CSGT đứng sâu trong lề đường nên khi còn cách chừng vài mét, người dân bị thổi phạt mới phát hiện nên vội vã thắng gấp. Nhiều lúc, xe container và xe máy chạy sát rạt bên cạnh chiến sĩ CSGT. Điều này vừa gây nguy hiểm cho người bị thổi phạt và cũng cho chính bản thân các CSGT làm nhiệm vụ.
Luật có cấm CSGT “núp lùm”?
Việc cảnh sát giao thông đứng núp lùm, núp cột điện, núp trong nhà dân rồi bất ngờ xuất hiện yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe xử lý vi phạm không còn là chuyện hiếm, tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản cấm triệt để vấn đề này mà nếu có chỉ là những công văn nhắc nhở, chấn chỉnh tác phong trong nội bộ ngành.
Đây là hành động phản cảm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người công an nhân dân, bị dư luận xã hội nhiều lần đặt câu hỏi về mục đích thực sự của hành động này. Bên cạnh đó, nếu chiếu theo các quy định hiện hành về nghĩa vụ, tác phong, điều lệ của Công an nhân dân thì hành vi này không phù hợp.
Căn cứ Điều 30 Luật công an nhân dân về nghĩa vụ, trách nhiệm của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, thì người công an nhân dân phải:
“Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh Công an nhân dân, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên.
Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân; tận tụy phục vụ Nhân dân, kính trọng, lễ phép đối với Nhân dân.”.
Điều 31 Luật này cũng quy định về những việc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân không được làm là những việc trái với pháp luật, điều lệnh Công an nhân dân và những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Tác phong của công an nhân dân được quy định cụ thể trong điều lệnh nội vụ công an nhân dân như sau:
Tại Điều 40 Thông tư 17/2012/TT-BCA quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân thì công an nhân dân phải ứng xử khi giao tiếp với nhân dân như sau:
“Khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của Ngành; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không gây khó khăn, phiền hà với nhân dân.”
Trường hợp phát hiện được hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ Điều 41 Thông tư trên thì khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm.
Bên cạnh đó điều 9 Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ thì việc tuần tra, kiểm soát về an toàn giao thông phải được thực hiện một cách công khai với 3 phương thức sau: Tuần tra, kiểm soát cơ động; Kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông và kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông.
Việc kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông hoặc tại Trạm Cảnh sát giao thông phải có kế hoạch được Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt hoặc Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên phê duyệt.
Đặc biệt khi tuần tra, kiểm soát thì CSGT phải sử dụng trang phục theo đúng quy định của Bộ Công an; sử dụng phương tiện giao thông hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi địa bàn được phân công; và sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
Hoạt động tuần tra vẫn có thể không công khai?
Vẫn có quy định không yêu cầu công khai thực hiện tuần tra, kiểm soát, đó là quy định tại Điều 10 Thông tư 65/2012/TT-BCA về việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang tuy nhiên chỉ khi trong trường hợp địa bàn an toàn giao thông phức tạp thì mới được thực hiện.
Đặc biệt theo thông tư này, việc hóa trang thông thường được hiểu là CSGT mặc thường phục chứ không phải là mặc quân phục núp lùm, núp cột điện để xông ra xử phạt công khai. Đặc biệt kiểm soát kết hợp hóa trang chủ yếu là để giám sát tình hình trật tự an toàn giao thông, khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điểm c khoản 3 điều 10 Thông tư này “Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trái quy định của pháp luật để sách nhiễu, phiền hà, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.”Như vậy, hiện nay chưa có bất cứ quy định nào cụ thể cấm hành vi này, nhưng nhìn qua một loạt các quy định của ngành Công an có thể thấy hành vi này là không phù hợp với điều lệ cũng như nghiệp vụ xử lý hành vi vi phạm giao thông và cần chấn chỉnh và chấm dứt hoàn toàn hiện tượng trên.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691