Hệ thống pháp luật

Căn cứ ly hôn theo pháp luật hiện hành

Ngày đăng: 24/06/2022 lúc 10:28:44

Nếu như kết hôn là khởi đầu để xác lập nên quan hệ vợ chồng thì ly hôn có thể coi là điểm cuối của hôn nhân khi quan hệ này thực sự tan rã. Khi đời sống hôn nhân không thể duy trì được nữa thì ly hôn là một giải pháp cần thiết cho cả đôi bên vợ chồng cũng như cho xã hội.

Bằng các quy định về ly hôn, Nhà nước cũng hướng tới bảo vệ lợi ích của gia đình, của xã hội khi xác định những điều kiện cho phép chấm dứt quan hệ hôn nhân trước pháp luật, gọi chung là căn cứ ly hôn. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định những căn cứ để ly hôn như sau:

Căn cứ ly hôn khi thuận tình ly hôn

“Điều 55. Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”

Trong trường hợp hai vợ chồng có yêu cầu thuận tình ly hôn, sự tự nguyện của hai vợ chồng khi yêu cầu chấm dứt hôn nhân là một căn cứ quyết định việc chấm dứt hôn nhân. Bảo đảm “thật sự tự nguyện ly hôn” là cả hai vợ chồng đều được tự do bày tỏ ý chí của mình, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối trong việc thuận tình ly hôn. Việc thể hiện ý chí thật sự tự nguyện ly hôn của hai vợ chồng đều phải xuất phát từ trách nhiệm đối với gia đình họ, phù hợp với yêu cầu của pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội. Ngoài ra, đòi hỏi hai vợ chồng cần có sự thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và cơn. Nếu việc thỏa thuận không thành công thì Tòa án sẽ quyết định giải quyết việc ly hôn.

Căn cứ ly hôn theo pháp luật hiện hành

Trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn thì Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải. Sau 07 ngày kể từ ngày Toà án lập biên bản hoà giải thành mà các bên đương sự đã tự nguyện thỏa thuận được với nhau về tất cả các nội dung cần giải quyết trong vụ án (quan hệ hôn nhân, quan hệ con chung, quan hệ tài sản chung vợ chồng) mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến thì Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Nếu hoà giải không thành, các bên thực sự tự nguyện ly hôn nhưng không thoả thuận được về việc chia tài sản hoặc việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì Toà án lập biên bản về việc hoà giải đoàn tụ không thành và về những vấn đề hai bên không thoả thuận được hoặc có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con, đồng thời mở phiên Toà xét xử theo thủ tục chung.

 Căn cứ ly hôn khi ly hôn theo yêu cầu của một bên

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Theo đó, ly hôn theo yêu cầu của một bên là chỉ có một trong hai vợ chồng, hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên yêu cầu chấm dứt quan hệ hôn nhân. Khi giải quyết trường hợp này, Tòa án dựa vào những căn cứ sau đây:

Thứ nhất, đối với trường hợp khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Thứ hai, đối với trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Thứ ba, đối với trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”  Từ đó, Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Quỳnh Anh - BBT. Hệ thống pháp luật Việt Nam