Hệ thống pháp luật

Cách tính trợ cấp thôi việc cho người lao động

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: LD175

Câu hỏi:

Bên mình có trường hợp nhân viên nghỉ việc và mình thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc như chi tiết bên dưới: Bạn này làm việc ở 3 cty như sau: Công ty 1: T4 -> T5/2014: thử việc, không tham gia BHTN 2 tháng. T6/2014 -> T10/2014: không tham gia BHTN (do công ty <10 nhân viên) 5 tháng, T11/2014 -> T12/2014: tham gia BHTN bình thường. Công ty 1 sáp nhập và trở thành công ty 2. Tại Công ty 2: T1/2015 -> T12/2015: tham gia BHTN đầy đủ. Lương 10triệu/tháng. Công ty 2 sáp nhập trở thành công ty Công ty 3. Tại Công ty 3: T1 -> T3/2016: tham gia BHTN đầy đủ. Lương 10 triệu/ tháng. Đến T3/2016 nhân viên nghỉ việc. Vậy công ty 3 phải chi trả trợ cấp thôi việc cho 7 tháng không tham gia BHTN (ở công ty 1) là: 10tr x 0.5 x 1 năm (7 tháng làm tròn 1 năm) = 5tr.

1. Phần chi trả trợ cấp như vậy là đúng và đủ theo quy định pháp luật chưa? Xin luật sư tư vấn giúp.

2. Trường hợp thời gian tính trợ cấp thôi việc > 12 tháng thì áp dụng phương pháp làm tròn cho tháng lẻ, còn trường hợp < 12 tháng thì cũng áp dụng theo phương pháp trên, hiểu vậy là có đúng không? VD: thời gian là 1,2 năm >> làm tròn 1,5 năm thời gian 0,8 năm >> làm tròn là 1 năm?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo Khoản 1, Điều 48 Bộ luật lao động 2012 quy định về trợ cấp thôi việc như sau: “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.” Như vậy việc nhân viên công ty xin nghỉ việc, đã làm việc thường xuyên được ở công ty từ đủ 12 tháng trở lên thì được hưởng trợ cấp thôi việc.

Trong khoảng thời gian làm việc tại Công ty 1, Công ty 2, Công ty 3, người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Có 7 tháng không được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, căn cứ điểm c) Khoản 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

Như vậy, người này sẽ được hưởng một nửa tháng tiền lương. Tiền lương để tính hưởng trợ cấp thôi việc là tiền lương 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc. Như vậy, nếu trung bình tiền lương của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của người lao động là 10 triệu, thì người này được hưởng 5 triệu. Cách tính như trên hoàn toàn đúng.

Theo quy định tại điểm c) Khoản 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

Trường hợp thời gian tính trợ cấp thôi việc > 12 tháng, nếu có tháng lẻ từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng thì được số tháng lẻ này được tính bằng 1/2 năm tức được hưởng 1/4 tháng tiền lương. Nếu có tháng lẻ từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc thì được tính là 1/2 tháng tiền lương.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM