Hệ thống pháp luật

Các trường hợp áp dụng, quy trình thực hiện Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

Ngày gửi: 24/09/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL42472

Câu hỏi:

Các gói thầu theo quy định của pháp luật? Hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, quy trình thực hiện các gói thầu?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Ngày 26/11/2013, Luật đấu thầu số 43/QH13 được thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2014 đã có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực trong công tác đấu thầu, góp phần công khai hoá, minh bạch hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công. Theo đó, Luật đấu thầu quy định các hình thức đấu thầu cơ bản gồm: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, tham gia thực hiện của cộng đồng. Trong đó, hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường đặc biệt là hình thức áp dụng cho những gói thầu, những dự án có các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể lựa chọn áp dụng các hình thức khác và phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép áp dụng.

Đến ngày 08 tháng 04 năm 2019, Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu ra đời, Quyết định này đã đưa ra danh mục những trường hợp được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và tháo gỡ, giải quyết được nhiều khó khăn cho các Chủ đầu tư khi áp dụng Luật đấu thầu.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến những trường hợp được áp dụng hình thức Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và cách thức triển khai thực hiện.

1. Các gói thầu theo quy định của pháp luật

  1. Gói thầu phi tư vấn trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên ngành có yếu tố đặc thù cho các cán bộ, công chức bao gồm hoạt động biên soạn giáo trình cần thiết phải do các cơ quan, đơn vị đặc thù có chức năng, có thẩm quyền, có nhiệm vụ về đào tạo chuyên môn.
  2. Gói thầu phi tư vấn nhằm mục đích cung cấp dịch vụ tổ chức hội nghị, đại hội, tập huấn, hội thảo (Bao gồm cả dịch vụ thuê hội trường, địa điểm tổ chức, thuê phòng họp, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, đi lại cho đại biểu, các dịch vụ trang trí, khánh tiết…) đáp ứng các điều kiện: (i) do yêu cầu thực tế cần phải bố trí địa điểm ăn, nghỉ tập trung cho tất cả các đại biểu và (ii) tiến độ cần thực hiện gấp.
  3. Gói thầu dịch vụ phi tư vấn nhằm cung cấp dịch vụ đào tạo nhân lực Việt Nam tại nước ngoài do các cơ sở đào tạo, giáo dục ở nước ngoài trực tiếp tổ chức thực hiện đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn đặc thù hoặc phải đáp ứng kỹ thuật chuyên sâu trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội, khoa học, tự nhiên, kỹ thuật.
  4. Gói thầu đặc thù trong lĩnh vực mua chó nghiệp vụ; đào tạo, huấn luyện chó nghiệp vụ; Gói thầu mua ma túy, mua chất nổ, mua mẫu tẩm nguồn hơi ma tuý, mua chất nổ để phục vụ công tác huấn luyện chó nghiệp vụ.
  5. Gói thầu phi tư vấn nhằm thuê kho bãi lưu trữ hàng hoá bị tạm giữ; thuê dịch vụ vận chuyển, bốc xếp hàng hoá bị tạm giữ tại các cảng biển, các địa điểm kiểm tra hàng hoá tập trung nhưng phải đáp ứng điều kiện chỉ có duy nhất một đơn vị có khả năng cung cấp dịch vụ trong cảng.
  6. Gói thầu dịch vụ phi tư vấn nhằm vận chuyển hàng dự trữ quốc gia nhằm mục đích viện trợ, cứu trợ trong trường hợp cấp bách cần giao hàng gấp.
  7. Gói thầu dịch vụ phi tư vấn cung cấp dịch vụ in ấn, cung cấp các loại tem (bao gồm tem miễn thuế, tem hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước, tem lệ phí thủ tục hải quan, tem thu lệ phí hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh); cung cấp các loại biên lai (Bao gồm các loại biên lai trong lĩnh vực thuế, xuất nhập khẩu…); các loại tờ khai hải quan; các loại sổ định mức hàng miễn thuế; cac loại niêm phòng hải quan.
  8. Gói thầu nhằm mục đích mua bán, trao đổi bản quyền chương trình truyền hình.
  9. Gói thầu phi tư vấn nhằm sản xuất, lắp đặt sân khấu nhằm sản xuất chương trình truyền hình phát sóng gắn liền với ý tưởng thực hiện chương trình.
  10. Gói thầu dịch vụ phi tư vấn để thuê địa điểm tổ chức, sản xuất và ghi hình các chương trình truyền hình, chương trình thực tế, chương trình khác mang tính nghệ thuật cao.
  11. Gói thầu dịch vụ phi tư vấn nhằm mục đích tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bao gồm đài phát thanh truyền hình, báo in, báo điện tử những nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị, các nội dung tuyên truyền nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ biên giới, hải đảo đáp ứng điều kiện là các cơ quan, đơn vị được giao kinh phí tuyên truyền thì trực tiếp ký Hợp đồng với các cơ quan báo chí, báo đài để triển khai thực hiện.
  12. Gói thầu dịch vụ phi tư vấn nhằm tổ chức các chương trình nghệ thuật, các chương trình đặc biệt nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao.
  13. Gói thầu dịch vụ thẩm định giá tài sản có liên quan đến các vụ án hình sự cần triển khai, thực hiện gấp theo yêu cầu của cơ quan điều tra nhằm phục vụ công tác điều tra.

2. Hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, quy trình thực hiện các gói thầu

Bước 1: Tiến hành lập, trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT;

Bước 2: Thương thảo hợp đồng với nhà thầu được xác định có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu;

Bước 3: Hoàn thiện và ký kết hợp đồng với nhà thầu đã thương thảo thành công; nội dung hợp đồng phải bao gồm đầy đủ các điều khoản liên quan đến phạm vi cung cấp, yêu cầu công việc cần thực hiện, thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng, chất lượng công việc và giá trị hợp đồng.

Lưu ý đối với gói thầu thẩm định giá tài sản nhằm phục vụ công tác điều tra vụ án hình sự, Chủ đầu tư khi mời nhà thầu vào thương thảo Hợp đồng phải đảm bảo nhà thầu đó có đủ năng lực kinh nghiệm, uy tín, có năng lực thẩm định giá theo đúng yêu cầu của cơ quan điều tra nhằm phục vụ công tác điều tra, xét xử vụ án.

Thứ một, các gói thầu nhập khẩu vũ khí thể thao phục vụ các câu lạc bộ, các trường, các trung tâm đào tạo, các trung tâm huấn luyện trong lĩnh vực thể thao, tập luyện và thi đấu hàng năm được áp dụng hình thức Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Quy trình thực hiện gói thầu này như sau:

Bước 1: Tiến hành lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho gói thầu nhập khẩu vũ khí thể thao theo quy định tại Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT;

Bước 2: Tiến hành thương thảo hợp đồng với nhà thầu dự kiến lựa chọn cho gói thầu nhập khẩu vũ khí thể thao;

Bước 4: Chủ đầu tư tiến hành hoàn thiện và ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã phê duyệt. Hợp đồng ký giữa các bên phải có đủ các nội dung về nội dung công việc, phạm vi hàng hoá, chủng loại vũ khí nhập khẩu, ký hiệu, mẫu mã, xuất xứ, năm sản xuất, các thông số kỹ thuật, thời gian thực hiện hợp đồngm chất lượng hàng hoá, giá trị hợp đồng. Đối với việc cấp phép nhập khẩu, cấp phép trang bị và cấp phép sử dụng vũ khí phải được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng vũ khí thể thao.

Thứ hai, gói thầu mua vé máy bay cho các đoàn đi công tác trong nước và quốc tế. Vé máy bay là một loại hàng hoá đặc biệt, phải được tuân thủ các điều kiện sử dụng của hãng hàng không đưa ra trên cơ sở quy định của pháp luật. Do đó, việc áp dụng quy trình lựa chọn nhà thầu cung cấp vé máy bay theo quy định của luật đấu thầu như trước đây (trước khi có sự ra đời của Quyết định 17/2019/QĐ-TTg) gây ra nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư. Kể từ khi Quyết định 17/2019/QĐ-TTg có hiệu lực, gói thầu mua vé máy bay là một trong những gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Quy trình thực hiện gói thầu mua vé máy bay phục vụ các đoàn công tác trong nước và quốc tế như sau:

  • Đối với gói thầu mua vé máy bay phục vụ đoàn đi công tác nước ngoài:

Bước 1: Căn cứ kế hoạch công tác và lịch trình bay được phê duyệt, các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư phải lấy tối thiểu hai bản báo giá của hai đại lý bán vé máy bay khác nhau, độc lập (hoặc báo giá của một đại lý bán vé máy bay cho tối thiểu hai hãng hàng không khác nhau; trong đó phải có ít nhất một đại lý chính hãng của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam) với đúng lịch trình bay đã được phê duyệt để xem xét, đánh giá và lựa chọn đơn vị cung cấp vé máy bay trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều khoản như sau: Đường  bay lầ đường bay trực tiếp (bay thẳng), phù hợp với lịch trình công tác theo kế hoạch; tổng các khoản chi tiền vé (đã bao gồm cả các khoản thuế và phụ phí), tiền đi đường, tiền chờ tại sân bay là thấp nhất.

Bước 2: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao làm Chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà cung cấp bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và chịu trách nhiệm về quyết định lựa chọn nhà thầu của mình. Trường hợp có sự thay đổi đường bay ở nước ngoài do nhu cầu công tác thì trưởng đoàn sẽ quyết định việc mua vé.

  • Đối với gói thầu mua vé máy bay phục vụ đoàn đi công tác trong nước:

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao làm Chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà cung cấp vé máy bay trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc của Luật đấu thầu, đồng thời chịu trách nhiệm về quyết định của mình về kết quả lựa chọn nhà thầu.

Đối với cả hai trường hợp mua vé máy bay cho các đoàn đi công tác trong nước hay nước ngoài đều không cần phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Thứ ba, đối với các gói thầu hợp tác nhằm sản xuất phim phục vụ các nhiệm vụ chính trị được giao áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Quy trình áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với trường hợp này như sau:

Bước 2: Chủ đầu tư dự án sản xuất phim phải gửi thông báo đến các cơ sở sản xuất phim hay còn gọi là nhà thầu sản xuất phim về kế hoạch đề tài, nhóm đề tài sản xuất phim đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định của Luật đấu thầu;

Bước 3: Chủ đầu tư dự án sản xuất phim tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản. Sau đó, Hội đồng thẩm định kịch bản xem xét và tuyển chọn kịch bản có chất lượng tốt nhất về nội dung, nghệ thuật và phù hợp với kế hoạch đề tài, nhóm đề tài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt do các nhà thầu sản xuất phim gửi đến căn cứ vào thông báo nhận được từ Chủ đầu tư ở Bước 2;

Bước 4: Trên cơ sở của kết quả “Giám định kịch bản“, chủ đầu tư dự án sản xuất phim ra quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định đưa kịch bản đã được tuyển chọn vào kế hoạch sản xuất phim và thông báo đến nhà thầu sản xuất phim có kịch bản được tuyển chọn để lập phương án, hồ sơ sản xuất phim theo quy định hiện hành;

Bước 5: Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim đã được thành lập ở Bước 3 tiến hành thẩm định, đánh giá tổng thể phương án sản xuất phim do nhà thầu sản xuất phim gửi đến và lập báo cáo kết quả đánh giá, thẩm định lựa chọn nhà thầu để tư vấn cho chủ đầu tư;

Bước 6: Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá, thẩm định lựa chọn nhà thầu của hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim ở Bước 5, chủ đầu tư tiến hành phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu sản xuất phim, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá tối đa nhà nước hợp tác, sản xuất phim. Trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà thầu sản xuất phim, chủ đầu tư thực hiện ký kết hợp đồng thực hiện dự án sản xuất phim theo quy định hiện hành với nhà thầu được lựa chọn;

Bước 7: Sau khi kết thúc quá trình sản xuất phim theo nội dung Hợp đồng đã ký kết, chủ đầu tư dự án sản xuất phim thực hiện nghiệm thu sản phẩm, thực hiện kiểm tra, ra quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt quyết toán chi phí dự án sản xuất phim (bao gồm chi phí sản xuất, quảng bá, phát hành phim) và thanh lý hợp đồng theo đúng quy định hiện hành đối với nhà thầu.

Thứ tư, đối với gói thầu lựa chọn luật sư để cung cấp các dịch vụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Chính phủ hoặc các cơ quan Nhà nước Việt Nam tại cơ quan tài phán nước ngoài hoặc tại cơ quan tài phán quốc tế trong trường hợp Việt Nam là bị đơn của các vụ kiện quốc tế. Đây được coi là gói thầu đặc thù cần áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Quy trình thực hiện như sau:

Yêu cầu số lượng nhà thầu tối thiểu đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu

Bước 1: Cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì giải quyết những vụ kiện phải tiến hành xây dựng các tiêu chí, các điều khoản giao việc cũng như các cơ chế kiểm soát tổ chức hành nghề luật sư, luật sư; xác định danh sách bao gồm tối thiểu ba tổ chức hành nghề luật sư, luật sư dự kiến được thuê, chỉ lựa chọn vào danh sách các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư đã có danh tiếng, có nhiều kinh nghiệm, có đủ năng lực thực hiện, ưu tiên các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư đã tham gia tranh tụng và thắng nhiều vụ kiện quốc tế;

Bước 2: Cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì giải quyết vụ kiện phải tổ chức đàm phán hợp đồng dịch vụ pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư, luật sư chiếm ưu thế nhất trên cơ sở các tiêu chí, điều khoản giao việc và cơ chế kiểm soát tổ chức hành nghề luật sư, luật sư trong vụ kiện trong số các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có tên trong danh sách;

Bước 3: Cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì giải quyết vụ kiện tiến hành phê duyệt kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có đủ năng lực, kinh nghiệm giải quyết vụ kiện và đã thương thảo, đàm phán hợp đồng thành công;

Bước 4: Cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì giải quyết vụ kiện tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư, luật sư được lựa chọn.

Thứ năm, đối với gói thầu mua sắm các chủng loại  tài sản, các loại hàng hóa, dịch vụ đồng thời đáp ứng các điều kiện: (i) chỉ do một cơ sở sản xuất; (ii) có giá bán thống nhất do Nhà nước quy định (như điện, nước, xăng, dầu, phí vệ sinh môi trường và các dịch vụ tương tự khác), cước điện thoại cố định, bảo trì hệ thống tổng đài điện thoại cố định. Những gói thầu này không mang tính cạnh tranh cao đối với đơn giá do đã có sự chi phối giá bán bởi Nhà nước, do đó để tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu, những gói thầu trong trường hợp này được phép tiến hành bằng cách thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư có quyền trực tiếp ký Hợp đồng với đơn vị cung cấp để thực hiện gói thầu mà không cần phải tiến hành các bước lập, thẩm định, phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Thứ sau, đối với các gói thầu có giá gói thầu không quá năm mươi triệu đồng được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Đây có thể coi là một quy định tháo gỡ, giúp giảm bớt thời gian thực hiện quy trình chỉ định thầu cho các gói thầu có giá trị thấp. Quy trình thực hiện các gói thầu có giá gói thầu dưới năm mươi triệu như sau: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định việc mua sắm phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của Luật đấu thầu là tiết kiệm, hiệu quả kinh tế và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; Chủ đầu tư không bắt buộc phải ký kết hợp đồng bằng văn bản với nhà thầu nhưng phải bảo đảm đầy đủ chế độ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thuế và kế toán; không cần thiết phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Thứ bảy, đối với các gói thầu cần lựa chọn nhà thầu để cung cấp các dịch vụ cần cam kết lâu dài với nhà cung cấp (tối thiểu là một năm) như các dịch vụ thuê đường truyền, nhà trạm; thuê hạ tầng kỹ thuật; thuê phần mềm; thuê tên miền, máy chủ và dịch vụ lưu trữ dữ liệu điện tử; dịch vụ hỗ trợ bảo hành, vận hành hệ thống phần cứng, phần mềm, dịch vụ hỗ trợ người dùng (call center)…. thì áp dụng theo quy định của Luật đấu thầu và bắt buộc phải đáp ứng các quy định sau:

– Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ thời gian thực hiện hợp đồng, giá gói thầu (dự trù kinh phí cho toàn bộ hợp đồng), giá trị dự kiến thanh toán cho nhà thầu từng năm;

– Người có thẩm quyền tiến hành phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và phải chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm bố trí đầy đủ kinh phí để thanh toán hợp đồng trong từng năm;

– Khi tiến hành lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải ghi rõ thời gian thực hiện hợp đồng và ghi đầy đủ các điều kiện thanh toán cho nhà thầu.

– Trường hợp việc lựa chọn nhà thầu cung cấp các dịch vụ nói trên đã được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế theo quy định của Luật đấu thầu thì khi kết thúc thời hạn thực hiện hợp đồng, bên mời thầu có thể đàm phán để tiếp tục ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ nêu trên nhưng phải bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả kinh tế. Thời gian thực hiện hợp đồng (bao gồm cả thời gian thực hiện gói thầu cũ và thời gian gia hạn, nếu có) không được quá 05 năm.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM