Hệ thống pháp luật

Các hình thức đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu năm 2013

Ngày gửi: 21/05/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL42527

Câu hỏi:

Các hình thức đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu năm 2013 cụ thể: Hình thức đấu thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Đối với nhà nước, vai trò của đấu thầu mang lại cho nhà nước những đầu tư mới về công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại tạo điều kiện cho việc thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Đấu thầu là cơ sở đề đánh giá đúng, chính xác năng lực thực sự của các đơn vị kinh tế cơ sở, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực diễn ra, tránh được sự thiên vị của chủ đầu tư đối với các nhà thầu. Căn cứ tính chất và quy mô của gói thầu, tùy theo lĩnh vực của gói thầu người có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư có thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác nhau phù hợp. Nội dung tư vấn sau đây  sẽ đi sâu vào tìm hiểu các hình thức đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu năm 2013.

1. Đấu thầu rộng rãi

Đấu thầu rộng rãi là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu không hạn chế số lượng các bên dự thầu, đây là hình thức đươc sử dụng phổ biến trong đấu thầu. Hình thức đấu thầu này có ưu điểm là có thể thu hút được nhiều nhà cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ tham gia đấu thầu và qua đó bên mời thầu có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng được tốt nhất các yêu cầu của mình. Với hình thức đấu thầu này nguy cơ xảy ra thông thầu cũng có khả năng được giảm bớt.

2. Đấu thầu hạn chế

Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ mời một số nhà thầu nhất định dự thầu. Hình thức đấu thầu hạn chế có ưu điểm như giới hạn được số lượng hồ sơ dự thầu giúp việc đánh giá hồ sơ dự thầu được hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn, nhưng cũng có một số nhược điểm riêng của nó.

3. Chỉ định thầu

Chỉ định thầu được áp dụng đối với các gói thầu nêu tại Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu số 43 được cụ thể hóa thêm tại Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Khoản 1 và 2 của Điều 15 Thông tư 58/2016/TT-BTC. Đối với các gói thầu quy định tại Điều 15 Thông tư 58/2016/TT-BTC (trừ gói thầu quy định tại Điểm a Khoản 1 và Khoản 2) áp dụng hình thức chỉ định thầu thông thường. Quy trình áp dụng hình thức chỉ định thầu thông thường thực hiện quy trình theo Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ. Pháp luật khuyến khích các đơn vị sử dụng ngân sách áp dụng quy trình này thay cho quy trình chỉ định thầu rút gọn theo Khoản 3 Điều 17 Thông tư 58/2016/TT-BTC. Về điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:

– Có quyết định đầu tư được phê duyệt, trừ gói thầu tư vấn chuẩn bị dự án.

– Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.

– Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu.

– Có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ trường hợp đối với gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay.

– Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày.

– Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu hệ thống mạng đấu thầu đấu thầu quốc gia.

– Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công: không quá 500 triệu đồng.

– Gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công: không quá 01 tỷ đồng.

– Gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên: không quá 100 triệu đồng trùng với một phần của Khoản 2 Điều 15 Thông tư 58/2016/TT-BTC.

– Gói thầu quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư 58/2016/TT-BTC: Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng.

Quy trình áp dụng chỉ định thầu rút gọn sẽ áp dụng quy trình theo Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ và Điều 17 Thông tư 58/2016/TT-BTC. Và đáp ứng các điều kiện được quy định tại Khoản 3 Điều 15 Thông tư số 58/2016/TT-BTC.

– Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.

– Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày.

4. Mua sắm trực tiếp

Theo quy định tại Điều 24. Mua sắm trực tiếp của Luật đấu thầu 43/2013/QH13 có hướng dẫn đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự về nội dung, quy mô và tính chất thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác có thể xem xét áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp. Nhà thầu được lựa chọn áp dụng hình thức này phải là nhà thầu đã trúng thầu với gói thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã thực hiện hợp đồng hàng hóa tượng tự này trước đó. Có thể coi đây là một hình thức lựa chọn nhà thầu nhanh, gọn giúp bên mời thầu, chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí nhưng vẫn bảo đảm được hiệu quả kinh tế.

5. Chào hàng cạnh tranh

Quy định tại Điều 23 Luật đấu thầu số 43 và Điều 58 của Nghị định số 63 thì phạm vi áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh theo Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu và Khoản 1 Điều 57 Nghị định số 63/2014 gồm:

– Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản có giá trị không quá 5 tỷ đồng.

– Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng và gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt có giá trị không quá 5 tỷ đồng.

– Gói thầu thuộc Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 58/2016: Gói thầu có giá trị trên 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

– Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.

– Có dự toán được phê duyệt theo quy định.

– Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu.

– Nhà thầu tham gia chào hàng cạnh tranh phải có tên trong cơ sở dữ liệu hệ thống mạng đấu thầu đấu thầu quốc gia

Nếu áp dụng quy trình chào hành cạnh tranh rút gọn chúng ta sẽ áp dụng Điều 23 Luật Đấu thầu số 43 và Điều 57 Nghị định 63. Khoản 2 Điều 17 Thông tư số 58/2016 áp dụng đối với gói thấu là: Hàng hoá thông dụng, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn và có giá trị gói thầu không quá 200 triệu đồng. Khoản 2 Điều 57 Nghị định số 63/2013

– Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản có giá trị không quá 500 triệu đồng.

– Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng và Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt có giá trị không quá 01 tỷ đồng.

– Gói thầu đối với mua sắm thường xuyên có giá trị không quá 200 triệu đồng.

Thêm vào đó, để áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

– Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.

– Có văn bản phê duyệt dự toán mua sắm của cấp có thẩm quyền.

– Nhà thầu tham gia chào hàng phải có tên trong cơ sở dữ liệu hệ thống mạng đấu thầu đấu thầu quốc gia.

6. Tự thực hiện

Được áp dụng đối với gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm trong tường hợp tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu có năng lực kĩ thuật, tài chính, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu.

7. Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

Trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật này thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

8. Tham gia thực hiện cộng đồng

Đây là hình thức mà theo đó cộng đồng dân cư, tổ, nhóm thợ tại địa phương nơi có gói thầu được giao thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu đó trong các trường hợp: gói thầu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho các huyện, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, gói thầu quy mô nhỏ mà cộng đồng dân cư, tổ chức, tổ, nhóm thợ tại địa phương có thể đảm nhiệm.

Trên đây là các hình thức đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu năm 2013. Nhìn nhận dưới góc độ Luật thương mại 2005 có thể thấy quy định tại Mục 1 Chương II của Luật Đấu thầu năm 2013 mà cụ thể tại các Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 25, Điều 26, Điều 27 quy định 2 hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế giống với 2 hình thức đấu thầu trong thương mại. Tuy nhiên vẫn có những sự khác biệt trong quy định là những hình thức lựa chọn nhà thầu đó là: Chỉ định thầu; mua sắm trực tiếp; chào hàng cạnh tranh; tự thực hiện; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt và tham gia thực hiện của cộng đồng. Như vậy, Luật đấu thầu năm 2013 quy định rõ về trường hợp áp dụng đấu thầu hạn chế trong khi Luật Thương mại năm 2005 chỉ quy định chung đó là bên mời thầu chỉ mời một số nhà thầu nhất định dự thầu.

Bên cạnh đó, cho dù bất kỳ một đơn vị hay tổ chức nào khi áp dụng Luật đấu thầu năm 2013 để tham gia đấu thầu thì theo quy định tại Điều 5 Luật Đấu thầu năm 2013, nhà thầu, nhà đầu tư phải có tư cách hợp lệ. Và một trong số những điều kiện để nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ là phải đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu theo Điểm đ Khoản 1 Điều 5. Với ý nghĩa như vậy, Điều 6 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định các bên liên quan đến hoạt động đấu thầu phải có sự độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính, theo đó Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển.

Ngoài ra, nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với Chủ đầu tư, bên mời thầu, các nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó; các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế. Việc pháp luật đấu thầu quy định nhiều hình thức đấu thầu như trên nhằm phục vụ việc lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp phù hợp với tính chất công việc, loại hoặc cấp công trình, đáp ứng các yêu cầu của dự án, gói thầu và mang lại hiệu quả cao nhất cho bên mời thầu, dự án. Ví dụ trong lĩnh vực xây lắp khi lựa chọn nhà thầu phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

– Đảm bảo được hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình.

– Chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng phù hợp với yêu cầu của gói thầu, có phương án kỹ thuật, công nghệ tối ưu, có giá dự thầu hợp lý.

– Khách quan, công khai, công bằng, minh bạch, đảm bảo tính cạnh tranh.

– Không vi phạm các hành vi bị pháp luật cấm.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM