bộ máy hành chính nhà nước
"bộ máy hành chính nhà nước" được hiểu như sau:
Tổng thể các cơ quan chấp hành - điều hành do Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp lập ra để quản lý toàn diện hoặc quản lý ngành, lĩnh vực trong cả nước hoặc trên phạm vi lãnh thổ nhất định.Bộ máy hành chính nhà nước thường là bộ phận phát triển và phức tạp nhất của bộ máy nhà nước của một quốc gia. Bộ máy hành chính nhà nước được tổ chức thành hệ thống thống nhất theo đơn vị hành chính từ trung ương đến địa phương, đứng đầu là Chính phủ.Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước được đặt dưới sự giám sát trực tiếp và thường xuyên của các cơ quan quyền lực nhà nước, đại biểu đại diện của nhân dân cả nước hoặc từng địa phương và sự giám sát của nhân dân.Hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước được Hiến pháp và các luật tổ chức nhà nước quy định. Hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước gồm chính phủ, các bộ và ủy ban nhân dân các cấp, ban, ngành trực thuộc. Những cơ quan này giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, phạm vi thẩm quyền không bị giới hạn trong ngành hay lĩnh vực. Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp là những cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thống nhất quản lý các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của nhà nước, ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý hành chính toàn diện trên địa bàn lãnh thổ tương ứng.Các bộ, ban, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành hay lĩnh vực công tác trên phạm vi lãnh thổ nhất định với cơ cấu tổ chức và phạm vi thẩm quyền độc lập. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan loại này do Chính phủ quy định nên sự thay đổi, điều chỉnh diễn ra khá thường xuyên nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn quản lý nhà nước nói chung và quản lý hành chính nhà nước nói riêng trong từng thời kỳ.