Hệ thống pháp luật

bộluật

"bộluật" được hiểu như sau:

Một hình thức văn bản quy phạm pháp luật có mức độ hệ thống hóa cao nhất, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trên một hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau.Các bộ luật đã được xây dựng trong thời kỳ cổ đại ở các nhà nước chiếm hữu nô lệ như Bộ luật Hammurabi của nhà nước chủ nô Babylon thế kỷ XVIII trước Công nguyên, Bộ luật Draco của nhà nước Hy Lạp cổ đại năm 621 trước Công nguyên, Bộ luật Manu của Ấn Độ khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên đến thế kỷ thứ I, Bộ luật XII Bảng của nhà nước La Mã cổ đại thế kỷ V trước Công nguyên. Thời kì trung đại, nhà nước phong kiến đã có những bộ luật nổi tiếng như Bộ luật Lombardie thế kỷ XII được xây dựng nên bởi các tòa án thành phố Milan và các thành phố phía Bắc Italia, Bộ luật tục Normandie năm 1275 của Pháp, Bộ luật Saxon thế kỷ XIII của Đức, Bộ hội điển luật lệ Fleta năm 1290 của Anh, Bộ hội điển luật lệ năm 1649 của Nga, Các bộ luật của nhà nước phong kiến Trung Quốc gồm Bộ luật nhà Tần thế kỷ III trước Công nguyên, Bộ Cửu chương luật của nhà Hán (khoảng từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220), Bộ luật nhà Đường thế kỷ VII, Bộ Tống hình luật thế kỷ X - XI, Bộ luật Đại Minh (nửa cuối thế kỷ XIV đến nửa đầu thế kỷ XVII), Bộ Đại Thanh luật (khoảng nửa cuối thế kỷ XVII) và Bộ Đại Thanh luật lệ (năm 1740) của triều đình Mãn Thanh. Nhà nước phong kiến Việt Nam cũng đã xây dựng được khá nhiều bộ luật như Bộ hình thư thời nhà Lý, Bộ quốc triều hình luật thời kỳ nhà Trần, Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật), Bộ quốc triều thư khế thể thức, Bộ quốc triều khám tụng điều lệ, Bộ quốc triều chiếu lệnh thiện chính thời kỳ nhà Lê, Bộ Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long) thời kỳ nhà Nguyễn. Các bộ luật thời kỳ nhà nước chủ nô và nhà nước phong kiến (thời kì cổ đại và trung đại) được biên soạn dưới sự chỉ đạo của hoàng đế và do hoàng đế ban hành thông thường là những bộ tổng luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực quan hệ xã hội khác nhau bao gồm cả hình sự lẫn dân sự, hành chính, đất đai, lao động, thương mại, hôn nhân và gia đình...Các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn ở trên được ban hành trong các nhà nước chiếm hữu nô lệ, phong kiến do có tính hệ thống hóa cao (ngày nay gọi là pháp điển hóa cao) nên thường được các nhà sử học, luật học gọi là bộ luật, nhưng bản thân các văn bản đó chưa có tên gọi là bộ luật. Các văn bản của nhà nước phong kiến Việt Nam - Hình thư đời Lý, đời Trần, Quốc triều hình luật đời Lê, Hoàng Việt luật lệ đời Nguyễn đều chưa có tên gọi bộ luật. Ở Việt Nam, ngay các bộ luật được ban hành dưới thời thuộc địa, bảo hộ Pháp như Dân luật Nam Kỳ, Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật... cũng chưa có tên gọi bộ luật. Nói cho chặt chẽ, các bộ luật chỉ có thể được ban hành trong thời kỳ cận đại và hiện đại do cơ quan lập pháp là Nghị viện làm ra và chỉ điều chỉnh một loại quan hệ xã hội nhất định như hình sự, dân sự, thương mại, lao động, đất đai, bầu cử, thuế, hải quan... như Bộ luật dân sự Napoleon 1804, Bộ luật thương mại năm 1807, Bộ luật hình sự 1810 của Pháp...Hiện nay, nhiều nước trên thế giới thường có các bộ luật sau: bộ luật hình sự, bộ luật dân sự, bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật tố tụng dân sự, bộ luật thương mại, bộ luật đất đai, bộ luật lao động, bộ luật bầu cử, bộ luật thuế, bộ luật hải quan, bộ luật hàng không, bộ luật bảo vệ người tiêu dùng... Bộ luật thông thường được cấu thành bởi các chương, điều, khoản và giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bộ luật là kết quả của hoạt động pháp điển hóa pháp luật. Việt Nam đã có khá nhiều bộ luật như Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật hàng hải, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật lao động.