bộ luật tố tụng hình sự
"bộ luật tố tụng hình sự" được hiểu như sau:
Văn bản luật do Quốc hội ban hành, quy định trình tự, thủ tục, nội dung tiến hành các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và những quan hệ pháp luật khác nảy sinh trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.Bộ luật tố tụng hình sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 28.6.1988 (gọi tắt là Bộ luật năm 1988) và được sửa đổi bổ sung 3 lần vào năm 1990, 1992, 2000. Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi năm 2003 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26.11.2003, có hiệu lực ngày 01.7.2004 thay thế Bộ luật tố tụng hình sự 1988.Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có kết cấu 8 phần, 37 chương với 346 điều luật. Phần thứ nhất: Những quy định chung, gồm 7 chương (từ chương I đến chương VII); Phần thứ hai: Khởi tố, điều tra vụ án hình sự và quyết định việc truy tố, gồm 8 chương (từ chương VIII đến chương XV); Phần thứ ba: Xét xử sơ thẩm, gồm 7 chương (từ chương XVI đến chương XXII); Phần thứ tư: Xét xử phúc thẩm, gồm 2 chương (chương XXIII và chương XXIV); Phần thứ năm: Thi hành bản án và quyết định của tòa án, gồm 5 chương (từ chương XXV đến chương XXIX); Phần thứ sáu: Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, gồm 2 chương (chương XXX và chương XXXI); Phần thứ bảy: Thủ tục đặc biệt, gồm 4 chương (từ chương XXXII đến chương XXXV); Phẩn thứ tám: Hợp tác quốc tế, gồm 2 chương (chương XXXVI và chương XXXVII).So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã tăng 1 phần, 5 chương và 53 điều.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015 thay thế Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Bộ luật gồm 510 điều, được bố cục thành 9 phần, 36 chương, trong đó, bổ sung mới 176 điều, sửa đổi 317 điều, giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 26 điều.