Hệ thống pháp luật

bộ luật tố tụng dân sự

"bộ luật tố tụng dân sự" được hiểu như sau:

Văn bản luật do Quốc hội ban hành, quy định trình tự, thủ tục, nội dung tiến hành các hoạt động khởi kiện, điều tra, xét xử, thi hành án và những quan hệ pháp luật khác nảy sinh trong quá trình giải quyết vụ, việc về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.Trước khi có Bộ luật tố tụng dân sự, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định về thủ tục để giải quyết những tranh chấp phát sinh như Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (năm 1989); Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài (năm 1993); Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án kinh tế (năm 1994); Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài (năm 1995) và Pháp lệnh thủ tục giải quyết tranh chấp lao động (năm 1996). Các pháp lệnh này đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra trình tự, thủ tục chặt chẽ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong nội bộ nhân dân, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, trong quá trình thực hiện, nhất là trước sự phát triển toàn diện của đất nước thì các pháp lệnh này cũng bộc lộ nhiều hạn chế; nội dung chưa đầy đủ, mới chỉ quy định về một số nguyên tắc cơ bản... Nhiều quy định không còn phù hợp nữa, thậm chí còn mâu thuẫn với pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và có nhiều nội dung quan trọng chưa được quy định.Bộ luật tố tụng dân sự được xây dựng nhằm pháp điển hóa các quy định của pháp luật hiện hành, bổ sung những thiếu sót về nguyên tắc và cơ chế giải quyết trong tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, khắc phục sự tản mạn, trùng lặp, thiếu đồng bộ trong các quy định của pháp luật; đồng thời, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02.01.2002 của Bộ Chính trị "Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới"; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết 51/2001/QH10 ngày 25.12.2001) về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế và khu vực.Sau một thời gian dài chuẩn bị công phu, dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự đã được hoàn thiện và trình Quốc hội Khóa XII cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư (tháng 11.2003). Do đây là bộ luật lớn, quan trọng, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp; các quy định trong Bộ luật có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến đời Sống thường nhật của mọi người dân, nên ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp để tập trung trí tuệ của đông đảo nhân dân trong việc xây dựng bộ luật.Ngày 15.6.2004, Bộ luật tố tụng dân sự đã được Quốc hội khóa XI thông qua tại kì họp thứ năm, gồm 9 phần với 36 chương và 418 điều, quy định về những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện yêu cầu giải quyết các vụ án dân sự, các việc dân sự (bao gồm các vụ, việc về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động); trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án; thi hành án dân sự; quy định về người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như quyền và nghĩa vụ của những người này; về thủ tục giải quyết một số loại việc dân sự có tính chất đặc thù; việc xử lý đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng và khiếu nại, tố cáo; thủ tục giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài và tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2015 thay thế Bộ luật tố tụng dân sự năm 2003.