Hệ thống pháp luật

bộ luật napôlêông (bộ luật dân sự pháp)

"bộ luật napôlêông (bộ luật dân sự pháp)" được hiểu như sau:

Bộ luật dân sự của Cộng hòa Pháp được soạn thảo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Napôlêông Đệ nhất và được thông qua vào năm 1804.Trước khi Bộ luật này được thông qua, ở Pháp tồn tại hai hệ thống pháp luật: ở khu vực miền Nam tổn tại pháp luật thành Rim, khu vực miền Bắc tồn tại thông luật (luật tục). Vì vậy, việc xây dựng (soạn thảo) một bộ luật thống nhất là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng tư sản Pháp. Sáng kiến xây dựng Bộ luật này chính là của Napôlêông. Ngày 13.7.1800, ủy ban soạn thảo dự luật được thành lập, gồm những luật gia nổi tiếng của Pháp thời bấy giờ. Trong khoảng thời gian rất ngắn (4 tháng) dự thảo Bộ luật được hoàn thành và được đưa ra thảo luận tại tòa án cấp cao. Sau khi thảo luận, ủy ban soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh lý theo các ý kiến góp ý và được trình xem xét tại Hội đồng nhà nước, Ủy ban pháp luật và Thượng viện.Dự thảo này đã bị ủy ban pháp luật và tòa án phản đối quyết liệt, bởi lẽ nhiều nội dung của dự luật mâu thuẫn với pháp luật của cách mạng và là bước thụt lùi nếu như so sánh với thời kỳ đầu cách mạng. Chương thứ nhất của dự luật “Về quyền hạn và pháp luật nói chung” đã bị loại bỏ. Do sợ những chương khác cũng sẽ bị loại bỏ, nên bằng quyền lực của minh, Napôlêông đã loại khỏi danh sách thành viên Ủy ban pháp luật những người phê bình quyết liệt nhất và thay vào đó những người mới. Vì vậy, dự luật gồm 36 chương đã được thông qua và phê chuẩn một cách nhanh chóng. Vào năm 1807 Bộ luật này được gọi là Bộ luật Napôlêông. Sau này, vào năm 1817, Bộ luật được gọi với tên mới là Bộ luật dân sự Pháp. Tuy nhiên, công bằng mà nói Bộ luật Napôlêông vẫn sống mãi với lịch sử.Là một nhà chính trị lớn, Napôlêông hiểu rất rõ sự cần thiết phải xây dựng Bộ luật nhằm củng cố và phát triển chế độ tư bản. Bộ luật này có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ tư bản chủ nghĩa ở Pháp và là Bộ luật mẫu để xây dựng các Bộ luật dân sự khác của Ý, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển và các nước khác. Bộ luật dân sự Pháp với nhiều sửa đổi, bổ sung và vẫn có hiệu lực cho đến ngày hôm nay.Bộ luật đã kế thừa và phát triển những nguyên tắc pháp lý của công dân, đã được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn về quyền con người và công dân năm 1789. Đó là nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc thống nhất quyền và tự do của con người. Ngoài ra, pháp luật thành Rim cũng ảnh hưởng đến cơ cấu của Bộ luật.Bộ luật gồm chương mở đầu, chương này đề cập đến quá trình xây dựng Bộ luật, việc thông qua Bộ luật cũng như hiệu lực của nó và 03 phần (03 cuốn). Phần một quy định về các chủ thể của pháp luật dân sự. Theo quy định của phần này, bất cứ công dân nào của nước Pháp cũng có quyền dân sự không phụ thuộc vào địa vị xã hội của họ. Pháp luật dân sự không công nhận pháp nhân, người nước ngoài là chủ thể của pháp luật dân sự. Phần hai quy định các loại tài sản và các loại hình sở hữu. Phần ba quy định các hình thức, phương tiện khác nhau bảo vệ sở hữu.